Tờ Guardian (Anh) dẫn lời ông Christopher Wray nêu bật thông tin trên trong cuộc điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa và Vấn đề chính phủ của Thượng viện Mỹ. Giám đốc Christopher Wray xác nhận FBI đang tiến hành điều tra về vấn đề này nhưng ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott rằng liệu những cơ sở như vậy có vi phạm pháp luật Mỹ hay không, ông Wray nhấn mạnh FBI đang xem xét về các vấn đề pháp lý.
Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders vào tháng 9 đăng báo cáo nói về sự hiện diện của nhiều “đồn cảnh sát Trung Quốc” tại một số thành phố lớn trên thế giới, trong đó có New York.
Theo Safeguard Defenders, những cơ sở này thường gây áp lực nhằm khiến nhiều công dân Trung Quốc lưu vong ở nước ngoài hồi hương để đối mặt với các cáo buộc hình sự. Safeguard Defenders cho rằng các cơ sở này có liên quan đến Ban Chiến tuyến Trung ương của Trung Quốc.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện như các nghị sĩ Greg Murphy và Mike Waltz trong tháng 10 đã gửi thư đến Bộ Tư pháp đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có điều tra những cơ sở như Safeguard Defenders đã đề cập hay không.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra phản hồi liên quan đến diễn biến này.
Vào đầu tháng 11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông tin về những “đồn cảnh sát” không được phép tại Hà Lan sau khi Amsterdam đặt câu hỏi. Phía Trung Quốc cho biết họ chỉ là những nhân viên giúp đỡ công dân Trung Quốc thay mới các giấy tờ.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Bộ Công an Trung Quốc đã triển khai “Chiến dịch săn cáo” từ năm 2014 nhắm đến những công dân nước này bị cáo buộc tham nhũng và trốn ra nước ngoài với số tiền lớn. Các dữ liệu chính thức cho thấy có khoảng 10.000 nghi phạm quay trở về Trung Quốc trong khuôn khổ “Chiến dịch săn cáo” tính từ năm 2014 đến nay.