Cuộc xung đột ở Ukraine là “khúc dạo đầu” cho những thách thức quân sự lớn hơn đối với Mỹ trong tương lai gần và Washington đang mất đi lợi thế cạnh tranh về năng lực vũ khí hạt nhân. Đây là cảnh báo của Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Stratcom trong bài phát biểu tại Hội nghị chuyên đề thường niên năm 2022 của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân mới đây.
Theo ông Charles Richard, cuộc xung đột ở Ukraine không phải là cuộc chiến lớn nhất mà Mỹ chứng kiến hiện nay và nước này cần phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột toàn cầu lớn hơn.
"Cuộc khủng hoảng Ukraine mà chúng ta đang gặp phải hiện nay mới chỉ là màn khởi động. Một cuộc chiến lớn hơn đang đến. Do đó, chúng ta phải thực hiện một số thay đổi cơ bản, nhanh chóng trong cách bảo vệ quốc gia", Đô đốc Charles Richard nêu rõ.
Ông Richard lưu ý rằng Mỹ cần nhìn lại quá khứ phát triển quân sự của mình để xem làm thế nào có thể tăng cường sự thống trị của mình trong lĩnh vực quân sự quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng nước này đang đánh mất khả năng răn đe hạt nhân trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
Trong báo cáo đánh giá Chiến lược Phòng thủ Quốc gia công bố ngày 27/10, Lầu Năm Góc cũng đưa ra một tình huống nghiêm trọng trong cán cân hạt nhân giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.
"Các đối thủ cạnh tranh chính của chúng ta tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa khả năng hạt nhân, bao gồm các hệ thống mới, cũng như khả năng phi hạt nhân có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chiến lược. Họ tỏ ra ít quan tâm đến việc giảm phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Mỹ tập trung vào thay thế kịp thời các hệ thống cũ đang sắp hết hạn sử dụng", báo cáo cho biết.
Bản đánh giá nhấn mạnh: "Trung Quốc đặt ra thách thức tổng thể đối với kế hoạch phòng thủ của Mỹ và là nhân tố ngày càng làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của chúng ta, trong khi Nga tiếp tục nhấn mạnh vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược, hiện đại hóa và mở rộng lực lượng hạt nhân của mình, đồng thời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân để hỗ trợ chính sách an ninh của họ".
Tuy nhiên, Tư lệnh của Stratcom cho biết có một lĩnh vực mà Mỹ vẫn chiếm ưu thế là năng lực dưới biển: "Năng lực dưới biển có lẽ vẫn là một lợi thế bất đối xứng thực sự duy nhất mà chúng ta vẫn duy trì được trước các đối thủ của mình. Nhưng chúng ta vẫn phải khắc phục các vấn đề bảo trì, tiến hành phát triển mới, nếu không chúng ta sẽ mất ưu thế răn đe chiến lược”.