Theo kênh CNN, hai quan chức Mỹ cho biết nước này đã tìm cách sửa đổi máy bay không người lái Grey Eagle để giả sử vũ khí này bị mất cũng không có nguy cơ lộ công nghệ nhạy cảm, từ đó khiến khả năng Ukraine nhận được vũ khí này tăng lên.
Một quan chức quốc hội nói rằng phía Mỹ có thể điều chỉnh và gỡ bỏ một số thứ cụ thể trên Grey Eagle để Ukraine có thể nhận được vũ khí này trong thời gian tới. Nhưng những việc đó cần có thời gian và khá phức tạp.
Một quan chức Mỹ khác xác nhận rằng Lục quân đang đi đầu nỗ lực nghiên cứu những thay đổi có thể thực hiện với Grey Eagle. Grey Eagle do General Atomics chế tạo và Lục quân gọi là MQ-1C. Loại máy bay không người lái này có thể mang 4 tên lửa Hellfire và bay ở độ cao 7.620m trong gần 30 giờ.
Ông Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Khi nói về máy bay không người lái, đây là loại tốt nhất có thể đạt được. Đây là những máy bay không người lái thực sự tinh vi”.
Nếu Grey Eagle không được sửa đổi, có thể nó sẽ không nằm trong danh sách viện trợ quân sự sắp tới được phân bổ cho Ukraine.
Quan chức Mỹ trên cho biết: “Chúng tôi vẫn thực sự quan tâm đến việc cung cấp hệ thống đặc biệt này, miễn là chúng tôi có thể sửa đổi cần thiết và chúng vẫn hữu ích cho Ukraine trên chiến trường”.
Các cuộc thảo luận về Grey Eagle đang diễn ra và Mỹ chưa loại trừ cũng như chưa từ chối gửi loại vũ khí này tới Ukraine.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Roger Cabiness không bình luận cụ thể về Grey Eagle, chỉ nói rằng Bộ Quốc phòng tiếp tục tham vấn với Ukraine về hỗ trợ an ninh.
Ngoài khả năng sát thương của các tên lửa Hellfire, Grey Eagle sẽ giúp các lực lượng Ukraine có khả năng thu thập thông tin tình báo và thực hiện trinh sát từ xa hơn, mở rộng khả năng hỗ trợ nhắm vào mục tiêu bằng pháo binh trên mặt đất và chống lại các máy bay không người lái Nga.
Video Grey Eagle cất cánh để thực hiện các hoạt động giám sát (nguồn: AiirSource Military )
Trong suốt cuộc chiến, Mỹ đã ngần ngại cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến hơn và tầm xa hơn, như tên lửa mà Ukraine có thể tấn công vào lãnh thổ Nga vì có khả năng bị Nga coi là leo thang đáng kể trong cuộc xung đột.
Trong trường hợp của Grey Eagle, lo ngại không phải là leo thang xung đột mà là an ninh công nghệ. Cụ thể là có rủi ro rằng máy bay không người lái đắt tiền này bị rơi ở Ukraine và được người Nga lấy được.
Quan chức Mỹ nói trên cho biết: “Đây là những hệ thống rất đắt tiền và có những lo ngại rằng chúng có thể bị bắn hạ”. Tuy nhiên, ông này từ chối cho biết Mỹ sợ nhất bộ phận nào của máy bay không người lái nếu chúng rơi vào tay Nga.
Đó là một kịch bản mà Mỹ muốn tránh. Sau khi máy bay không người lái Iran bị bắn hạ ở Ukraine, Mỹ đã có thể kiểm tra xác vũ khí này và phát hiện có công nghệ Mỹ trong đó.
Ông Jones tại CSIS cho biết công nghệ mà Mỹ sợ lộ có thể là khả năng chụp ảnh và thu thập thông tin tình báo cũng như các cảm biến. Theo ông Jones, điều Mỹ thực sự sợ hơn là leo thang xung đọt với Nga nếu gửi Grey Eagle cho Ukraine.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ muốn sửa đổi các hệ thống vũ khí trước khi đưa đến Ukraine. Tạp chí Phố Wall đã đưa tin vào tháng 3 rằng các bộ phận bí mật đã bị gỡ bỏ khỏi tên lửa phòng không Stinger rồi mới gửi cho Ukraine.
Giống như Grey Eagle, Mỹ cho đến nay cũng từ chối yêu cầu cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa ATAMCS có tầm bắn khoảng 300 km. Các nguồn tin nói với CNN rằng Ukraine rất muốn có được vũ khí này đến mức họ đã minh bạch đáng kể với Mỹ khi chia sẻ các mục tiêu của mình.
“Chúng tôi cần ATACMS”, quan chức Ukraine nhắc lại khi được hỏi vũ khí gì ngoài Grey Eagle nằm ở đầu danh sách vũ khí mà họ cần Mỹ gửi.
Tháng trước, Mỹ công bố gói 400 triệu USD hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có hơn 1.000 máy bay không người lái Phoenix Ghost. Khác Grey Eagle, đó là những máy bay không người lái cảm tử nhỏ hơn, sử dụng một lần.
Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, chính quyền ông Biden đã gửi cho Ukraine các loại vũ khí ngày càng tối tân. Mỹ đẩy nhưng không vượt qua ranh giới mà họ cho rằng Nga sẽ coi là leo thang quá mức.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại những lo ngại của Mỹ khi nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Tôi không muốn Ukraine bắt đầu ném bom vào lãnh thổ Nga”.
Tổng thống Biden nhấn mạnh thực tế rằng mặc dù Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa di động HIMARS, nhưng họ không cung cấp các loại vũ khí tầm xa hơn đi kèm với các hệ thống đó, trong đó có cả ATACMS.
Ngoài ra, tới nay, chưa quốc gia NATO nào gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Đây là phần tranh luận nóng bỏng nhất trong các cuộc thảo luận về loại vũ khí nào nên được cung cấp cho Ukraine.
Quan chức quốc hội Mỹ cho biết việc gửi trực tiếp máy bay chiến đấu Mỹ đến Ukraine là điều không có ý nghĩa gì, vì có rất ít trận không chiến, các phi công Ukraine không được đào tạo và máy bay cần được bảo dưỡng đáng kể.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine ngày càng thất vọng với nỗi lo sợ của phía Mỹ. Họ nói rằng họ có thể đã sử dụng HIMARS để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng họ đã không làm như vậy.