Mỹ nêu lý do từ chối viện trợ UAV ‘Đại bàng xám’ MQ-1C cho Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từ chối yêu cầu cung cấp máy bay không người lái (UAV) tối tân cho Kiev, vì lo ngại điều này có thể làm leo thang xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái Đại bàng Xám MQ-1C. Ảnh: Quân đội Mỹ

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và những người nắm rõ vấn đề tiết lộ Washington sẽ không gửi máy bay không người lái Đại bàng Xám (Grey Eagle) MQ-1C cho Ukraine. Trong nhiều tháng qua, Kiev đã liên tục yêu cầu Mỹ chuyển giao loại phương tiện quân sự này cho Ukraine. Song giới chức cho rằng hành động đó có thể “gửi tín hiệu cho Moskva rằng Mỹ đang cung cấp vũ khí có thể nhắm vào các vị trí bên trong nước Nga”.

Báo cáo cho biết các quan chức Mỹ cũng lo lắng công nghệ vũ khí của Mỹ, đặc biệt là hệ thống camera gắn trong UAV, có thể rơi vào tay kẻ xấu và bị đắnh cắp nếu bị bắn hạ.

Hồi tháng 9, nhóm nghị sĩ của Quốc hội Mỹ đã hối thúc Chính quyền Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine các loại máy bay không người lái có vũ trang với độ cao trung bình, có thể hoạt động trên không trong hơn 24 giờ. Trong một bức thư, các nghị sĩ đã yêu cầu đẩy nhanh quá trình xem xét , điều này đã thúc đẩy một cuộc họp ngắn tại Điện Capitol, các quan chức Quốc hội nói với WSJ.

Hệ thống máy bay không người lái Đại bàng Xám MQ-1C có thể bay ở độ cao 7.600m trong hơn 27 giờ và mang theo 4 tên lửa HELLFIRE. Chúng cũng có tầm bắn lên tới 4.600 km thông qua liên lạc vệ tinh, có khả năng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái trinh sát và cảm tử. Cho đến nay, Washington vẫn phản đối lời kêu gọi cung cấp cho Kiev các loại vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng không Patriot và máy bay chiến đấu F-16.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không nên gửi vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho Ukraine. Điều này không chỉ kéo dài xung đột, dẫn đến nhiều thương vong mới, mà còn có khả năng leo thang thành cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Song bất chấp cảnh báo, Washington và NATO tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nào còn cần và theo nhu cầu của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều đó không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Lầu Năm Góc thừa nhận viện trợ cho Ukraine làm cạn kiệt kho vũ khí Mỹ
Lầu Năm Góc thừa nhận viện trợ cho Ukraine làm cạn kiệt kho vũ khí Mỹ

Ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách, thừa nhận việc viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ làm cạn kiệt kho vũ khí của phương Tây và tạo thêm áp lực lên các ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN