Trong tuần qua, căng thăng kéo dài giữa Serbia và Kosovo đã lên đến đỉnh điểm, với các chướng ngại vật mới được dựng lên và Serbia đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao khi Kosovo triển khai cảnh sát tới các khu vực phía Bắc, nơi có đa số người Serbia sinh sống.
Trong khi Serbia tuyên bố hôm 28/12 rằng các rào cản mới sẽ được dỡ bỏ trong vòng 48 giờ, nguồn gốc của bất đồng vẫn tồn tại và những nghi ngờ đang gia tăng về một thỏa thuận do EU tạo điều kiện giữa hai bên sẽ được hoàn tất trước thời hạn dự kiến vào tháng 3/2023.
“Tôi cho rằng một số vấn đề đã được giải quyết, nhưng căng thẳng vẫn còn cao. Mức độ ngờ vực vẫn cao hơn bao giờ hết”, Miroslav Lajčák, đại diện đặc biệt của EU về đối thoại Serbia - Kosovo và các vấn đề Tây Balkan, cho biết ngày 30/12.
“Điều thực sự quan trọng bây giờ là không để tình hình trở thành một cuộc khủng hoảng khác, nhưng vấn đề là các nhà lãnh đạo của Kosovo và Serbia phải tạo ra bầu không khí thuận lợi cho các cuộc thảo luận hiệu quả về bình thường hóa quan hệ”, ông Lajčák nêu rõ.
Ông Lajčák khẳng định những nỗ lực này sẽ tiếp tục, cho rằng hạn chót vào tháng 3/2023 để có giai đoạn chuyển tiếp nhằm đạt được thỏa thuận, nhưng cộng đồng quốc tế đang cảm thấy tình hình cấp bách hơn trong việc giải quyết căng thẳng Serbia - Kosovo do xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.
Tuy nhiên, Maja Bjeloš, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Chính sách và An ninh Belgrade, cho biết: “Hiện tại, rất khó để kỳ vọng về một kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo".
Đợt bùng phát căng thẳng mới nhất bắt đầu vào đầu tháng 12 này khi Kosovo điều cảnh sát đến khu vực phía Bắc có đa số người Serbia sinh sống sau thông báo rằng các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong khu vực để thay thế các quan chức người Serbia ở Kosovo, những người đã từ chức hàng loạt vào tháng 11/2022.
Phản ứng với quyết định này, cộng đồng người Serbia ở Kosovo đã dựng nhiều chướng ngại vật và rào chắn. Người Serbia ở Kosovo hiện cũng từ chối tham gia cuộc bầu cử mới cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng. Những yêu cầu này gồm có việc thực hiện một thỏa thuận do EU tạo điều kiện nhằm giúp họ gia tăng quyền lực ở Kosovo.
EU đã tạo điều kiện cho các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo kể từ năm 2011, cố gắng thúc đẩy các thỏa thuận về các vấn đề nổi cộm - chẳng hạn như đăng ký biển số xe, điều đã gây ra căng thẳng từ tháng 7/2022.