Người Serbia ở Kosovo đã dựng lên các chướng ngại vật mới tại vùng Mitrovica và Zvecan ngày 27/12, chỉ vài giờ sau khi Serbia cho biết nước này đã đặt quân đội của họ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Bộ Quốc phòng Serbia thông báo trong một tuyên bố rằng để đối phó với các diễn biến mới nhất và tin rằng Kosovo đang chuẩn bị tấn công người Serbia, cũng như dùng vũ lực dỡ bỏ các chướng ngại vật, Tổng thống Aleksandar Vucic đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát Serbia chuyển sang tình trạng báo động cao nhất.
“Không có lý do gì để hoảng sợ, nhưng có lý do để lo ngại”, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic nói với đài truyền hình RTS. Serbia cũng phủ nhận việc đứng sau các cuộc phong tỏa mới nhất và nói rằng họ đang cố gắng xoa dịu tình hình.
Trong khi đó, Kosovo cho biết nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO (KFOR) không thể dỡ bỏ các chướng ngại vật do người Serbia dựng lên, các lực lượng của họ sẽ phải làm việc đó.
Nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc vì KFOR đang trì hoãn quyết định dỡ bỏ các chướng ngại vật. Tôi không hiểu tại sao, nhưng điều này không thể kéo dài lâu. Nếu KFOR không thể dỡ bỏ các chướng ngại vật hoặc không muốn vì những lý do mà tôi không rõ, thì chúng tôi sẽ phải làm điều đó”.
Kể từ ngày 10/12, người Serbia ở phía Bắc Kosovo đã dựng lên nhiều rào chắn trong và xung quanh Mitrovica, thành phố có đông người Serbia. Căng thẳng gia tăng khi các cuộc bầu cử được ấn định diễn ra vào ngày 18/12 tại những đô thị có đa số người Serbia là Zvecan, Leopsavic, Zubin Potok và Bắc Mitrovica, sau khi các đại diện người dân tộc Serbia từ chức hàng loạt để phản đối kế hoạch cấm biển số xe thời Nam Tư của Kosovo.
Mặc dù cuộc bầu cử bị hoãn lại, nhưng các chướng ngại vật vẫn còn. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ bắt giữ một cựu cảnh sát Serbia vì cáo buộc tấn công các sĩ quan cảnh sát khác đang thi hành nhiệm vụ trong một cuộc biểu tình trước đó.
Tình hình tiếp tục căng thẳng và rơi vào bế tắc với tiếng súng và các vụ nổ, cùng một số vụ tấn công vào cơ sở của Ủy ban Bầu cử trung ương, Phái bộ Pháp quyền của EU tại Kosovo (EULEX) và các nhà báo. Khoảng 50.000 người Serbia sống ở phía Bắc của Kosovo, nơi có đa số là người Albania và từ chối công nhận chính phủ hoặc nhà nước Kosovo.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 với sự hậu thuẫn của phương Tây, sau cuộc chiến tranh 1998 - 1999, trong đó NATO can thiệp để bảo vệ các công dân sắc tộc Albania.
Kosovo không phải là thành viên của Liên hợp quốc và hiện 5 quốc gia EU - Tây Ban Nha, Hy Lạp, Romania, Slovakia và Síp - từ chối công nhận tư cách nhà nước của Kosovo.