EU cần thay đổi sau "cơn địa chấn" Brexit

Liên minh châu Âu (EU) cần một “động lực mới” sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, cũng như phải thay đổi phong cách làm việc của khối.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc họp chiều ngày 27/6 tại Berlin đã cùng hối thúc như trên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Francois Hollande tham dự một buổi lễ tưởng niệm tại Pháp ngày 29/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Các nội dung đề xuất cụ thể của Đức, Pháp, Italy liên quan đến vấn đề này sẽ được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày 28/6 tại Brussels. Về vấn đề đàm phán Brexit, ba nhà lãnh đạo nhất trí sẽ không tiến hành các thảo luận với Anh về vấn đề Brexit cho đến khi nào Anh chính thức đệ trình đơn xin rút khỏi EU.

Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp, Tổng thống Pháp Hollande cho rằng điều quan trọng nhất lúc này với EU chính là sự đoàn kết và một sự rõ ràng trong quan điểm về vấn đề Brexit.

Trong khi đó, theo Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel, trong những tháng tới, EU sẽ phải từng bước có được những giải pháp cụ thể mới trong hàng loạt vấn đề như chính sách an ninh - quốc phòng, cuộc chiến chống khủng bố, tạo việc làm, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế EU.

Thủ tướng Italy thì cho rằng EU đang phải bước sang một trang mới sau sự kiện Brexit, trong đó EU sẽ phải thay đổi nhiều vấn đề.

Thủ tướng Anh kêu gọi Quốc hội tôn trọng ý nguyện của người dân

Chiều 27/6, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi Quốc hội nước này không ngăn cản ý nguyện rời khỏi EU của người dân.

Trong bài phát biểu tại Hạ viện, ông Cameron nói: "Mặc dù rời khỏi EU không phải là con đường tôi đề xuất nhưng tôi là người đầu tiên ca ngợi sức mạnh đáng tin cậy của đất nước chúng ta. Khi chúng ta xúc tiến việc thực hiện quyết định này và đối mặt với những thách thức mà nó mang đến, tôi tin rằng chúng ta nên nhận thức rõ tầm nhìn về một nước Anh muốn được tôn trọng ở nước ngoài, có lòng khoan dung ở trong nước và được kết nối trong thế giới".

Cùng ngày, ông Cameron cũng nói rằng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để thuyết phục nhà chức trách Pháp tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới.

Trước đó, báo chí Anh đưa tin cho rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến cộng đồng người di cư đang tá túc tại các khu ở tạm tại Calais (Pháp), có thêm động lực để vượt Eo biển Manche vào Anh do Pháp sẽ không cố ngăn cản họ nữa.

TTXVN/Tin Tức
Bài học từ Brexit đối với châu Á
Bài học từ Brexit đối với châu Á

Châu Âu đã từ một liên minh thuế quan sau chiến tranh nhằm mở rộng "thị trường duy nhất" và cuối cùng trở thành một thực thể chính trị và kinh tế chính thức với chính sách an ninh, quốc phòng tập thể, các cộng đồng dân cư tương đối không biên giới, và một đồng tiền chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN