Đức kêu gọi cứu vãn hiệp ước INF nhằm ngăn tránh cuộc chạy đua vũ trang mới

Ngày 18/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong cuộc họp báo tại Berlin. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Đức bày tỏ tin tưởng INF "thoát hiểm" và cho rằng hiệp ước này ảnh hưởng cơ bản tới lợi ích an ninh của các bên. Theo ông, việc bảo toàn INF là cách duy nhất để thế giới tránh một cuộc chạy đua vũ trang và đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga tránh triển khai những loại tên lửa tầm trung vốn bị cấm trong INF.

Ông Maas cũng kêu gọi Nga tiêu hủy tên lửa Novator 9M729 mà Mỹ cho rằng đã vi phạm IMF để cứu vãn hiệp ước này. Đức đề cao những nỗ lực của Moskva nhằm cứu vãn thỏa thuận và bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán cứu vãn INF giữa Nga và Mỹ sẽ sớm được nối lại 

Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Washington đã không đưa ra được chứng cứ về việc Nga thử nghiệm loại tên lửa vi phạm INF. VIệc Washington yêu cầu hủy loại tên lửa vi phạm và thường xuyên thăm các cơ sở thử nghiệm của Nga chỉ là cái cớ để rút khỏi INF. Ngoại trưởng Nga cũng lật lại những tuyên bố của Mỹ trong những lần liên lạc của quan chức hai bên về vấn đề kiểm soát và giải trừ vũ khí hồi tháng 10/2018 và cho biết ngay từ thời điểm đó, Mỹ đã tuyên bố quyết định rút khỏi INF là dứt khoát và sẽ không thương lượng.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.

Đến ngày 4/12 sau đó, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Moskva khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Hồi đầu tuần này, các quan chức Nga và Mỹ đã gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ) để đàm phán cứu vãn thỏa thuận nhưng không đạt kết quả. Hai bên chỉ trích lẫn nhau không có thiện trí đàm phán. Hiện Mỹ đã lên kế hoạch khởi động tiến trình rút khỏi INF trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 2/2 tới.

Lê Ánh (TTXVN)
Đức khẳng định sẽ không có thêm sự nhượng bộ nào đối với Anh về Brexit
Đức khẳng định sẽ không có thêm sự nhượng bộ nào đối với Anh về Brexit

Thủ tướng Đức Angela Merkel không đề xuất bất cứ sự nhượng bộ nào đối với Thủ tướng Anh Theresa May liên quan đến cuộc "ly hôn" giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN