Đức, Italy bình luận về khả năng chuyển giao chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine

Báo La Repubblica hôm 20/2 đưa tin Chính phủ Italy đang bí mật xem xét các phương án gửi máy bay quân sự tới Kiev. Trong khi đó, Đức cho hay nước này không sở hữu những loại chiến đấu cơ mà Kiev yêu cầu viện trợ.

Chú thích ảnh
Máy bay ném bom chiến đấu AMX A-11 Ghibli của Không quân Italy. Ảnh: Wikipedia

Italy sắp chuyển giao chiến đấu cơ cho Kiev?

Theo nguồn tin, thoả thuận chuyển giao 5 chiếc máy bay cho Kiev có thể được ký kết trong chuyến thăm sắp tới đến thủ đô Ukraine của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Lô hàng có thể bao gồm máy bay tấn công mặt đất AMX A-11 Ghibli cũ, cũng như máy bay phản lực Tornado.

Tuy nhiên, tờ La Repubblica tỏ ra hoài nghi về sáng kiến này, vì số lượng nhỏ máy bay phản lực như vậy khó có thể thay đổi tình hình trên bầu trời Ukraine.

Tờ báo cũng lưu ý Không quân Italy sẽ cho máy bay ném bom chiến đấu AMX Ghibli nghỉ hưu hoàn toàn vào cuối năm 2023. Còn việc vận chuyển Tornados hoặc Eurofighters sẽ phức tạp hơn.

La Repubblica cho biết Rome không muốn trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp máy bay do phương Tây sản xuất cho Kiev. Tờ báo giải thích rằng họ sẽ chỉ đồng ý chuyển giao chiến đấu cơ nếu các quốc gia khác làm như vậy trước. Đồng thời, Italy cũng muốn một số “đồng minh” khác như Vương quốc Anh, dẫn đầu trong nỗ lực này.

Italy được cho là sẽ không ngăn cản Vương quốc Anh gửi máy bay chiến đấu Typhoon tới Ukraine. Việc gửi gửi máy bay chiến đấu Typhoon cho Kiev sẽ cần có sự chấp thuận của tất cả các quốc gia tham gia sản xuất loại máy bay này.

Cho đến nay, Vương quốc Anh, quốc gia đi đầu trong chiến dịch cung cấp xe tăng do phương Tây sản xuất cho Ukraine, đã không vội vàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với Sky News rằng Anh sẽ không sớm đưa máy bay chiến đấu tới Kiev. Ông lập luận rằng nếu quá trình chuyển giao diễn ra, khoảng 200 nhân viên của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh sẽ phải đi cùng các máy bay.

Thay vào đó, theo ông Wallace, Anh và các quốc gia phương Tây khác tập trung vào việc đảm bảo “khả năng phục hồi lâu dài” của Ukraine, thông qua các phương tiện khác, như tên lửa đất đối không hoặc máy bay không người lái, vốn có “tác dụng tương tự” máy bay chiến đấu.

Đức nói không sở hữu loại máy bay chiến đấu mà Ukraine yêu cầu

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: Global Look Press/DPA

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin khó có thể đáp ứng các yêu cầu của Kiev về máy bay chiến đấu, vì quân đội nước này không sở hữu các loại máy bay quân sự mà Kiev yêu cầu.

Cụ thể, khi được hỏi về khả năng chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine, ông Pistorius nói rằng cho đến nay, các cuộc thảo luận về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu chỉ đề cập đến các loại máy bay chiến đấu mà Bundeswehr không sở hữu.

“Câu hỏi đó nên dành cho các quốc gia khác chứ không phải Đức”, ông Pistorius nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói rằng Berlin không loại trừ khả năng chuyển giao máy bay cho Kiev.

“Các hành động quân sự ở Ukraine khiến chúng ta không bao giờ có thể loại trừ bất kỳ khả năng nào”, ông nói song cho rằng đề xuất này khó có thể áp dụng đối với máy bay quân sự của Đức ngay lúc này.

Quân đội Đức (Bundeswehr) hiện chủ yếu dựa vào các máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon. Theo báo cáo năm 2021 của Airbus, Luftwaffe - Lực lượng Không quân của Đức đang sở hữu hơn 140 chiếc máy bat loại này. Được sản xuất từ đầu những năm 1990, những máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ tư này do BAE Systems của Anh, Airbus và Leonardo của Italy hợp tác sản xuất. Ngoài những chiếc Typhoon, Không quân Đức còn có gần 90 máy bay phản lực Panavia Tornado cũ hơn được phát triển từ những năm 1970.

Hồi tháng 1, ông Pistorius cũng đã thẳng thừng bác bỏ thông tin cho rằng Đức chấp thuận gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine. Ông nhấn mạnh điều đó “không khả thi” và cho rằng động thái này là quá rủi ro.

Kiev lạc quan, Nga cảnh báo đáp trả mạnh mẽ

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-16 trong một cuộc trình diễn hỏa lực của Lực lượng Không quân Mỹ. Ảnh: Getty Images

Kiev đã liên tục kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng hơn - như máy bay chiến đấu và tiêm kích cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga đang leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng mục đích thực sự của Kiev là những chiếc tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Và Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này.

Vào cuối tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine.

Tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, trả lời phóng viên khi được hỏi tại sao ông phản đối cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Tổng thống Biden nói: “Vì Mỹ nên giữ máy bay chiến đấu này trong nước. Đó hoàn toàn là tình huống khác biệt”.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine gần đây đã bày tỏ sự lạc quan, cho rằng nước này sẽ vượt qua sự phản đối của phương Tây.

Tuần trước, tờ Financial Times đưa tin Mỹ vẫn có thể cân nhắc gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Kiev hoặc “bật đèn xanh” cho việc tái xuất khẩu loại máy bay này từ các quốc gia khác sở hữu chúng.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đang ưu tiên cung cấp cho Ukraine xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và đạn dược, và máy bay chiến đấu không phải là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Theo ông Stoltenberg, NATO vẫn đang thảo luận về việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine.

Trong bối cảnh đó, ôngViktor Bondare, cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga và Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về Quốc phòng và An ninh, hôm 14/2 cảnh báo rằng các hệ thống phòng không của Nga có thể phá hủy tất cả các máy bay chiến đấu của phương Tây trong vòng 2 - 3 tháng nếu chúng được chuyển giao cho Ukraine.

“Hệ thống phòng không của chúng tôi hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ phá hủy tất cả nguồn cung máy bay của Ukraine trong vòng 2 - 3 tháng. Ukraine cần học cách vận hành máy bay chiến đấu và quá trình này sẽ mất khoảng 6 - 12 tháng”, ông Bondare trả lời câu hỏi liệu việc phương Tây gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Moskva đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài, gây thêm nỗi thống khổ cho ngườidân, cũng như tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT, TASS)
Mỹ tái khẳng định cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ tái khẳng định cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 20/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, trong đó ông đề cập vấn đề cung cấp máy bay phản lực F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN