Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, đáng chú ý nhất là máy bay chiến đấu đa năng MiG-29 và F-16.
Theo tờ Politico, Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ tuyên bố với các nghị sĩ Mỹ rằng việc cung cấp cho Ukraine các thiết bị tiên tiến của phương Tây – chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-16, máy bay không người lái và tên lửa tầm xa – có thể giúp Kiev thống trị bầu trời và tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Nga.
Trong một cuộc họp kín vào ngày 17/2 với hơn 10 thượng nghị sĩ và hạ nghị sỹ Mỹ, Tướng Cavoli đã được hỏi liệu máy bay chiến đấu F-16 có giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không. Ông Cavoli trả lời: “Có", lưu ý rằng Ukraine cần tên lửa tầm xa hơn để cho phép lực lượng của họ tấn công các vị trí của Nga từ xa hơn, khiến các vị trí chỉ huy và các tuyến tiếp tế phía sau của Moskva rơi vào tình thế nguy hiểm.
Trước đó cùng ngày, 5 thành viên của Hạ viện Mỹ cũng gửi thư cho Tổng thống Joe Biden, nói rằng loại máy bay tiên tiến mà Kiev đang yêu cầu “có thể mang tính quyết định đối với việc kiểm soát không phận Ukraine trong năm nay”. Họ nhấn mạnh rằng việc cung cấp máy bay cho Ukraine là cần thiết và sẽ mang lại cho lực lượng phòng thủ Ukraine nhiều lựa chọn hơn là pháo binh mặt đất.
“Máy bay F-16 hoặc máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tương tự sẽ cung cấp cho Kiev một nền tảng cơ động cao để hỗ trợ cho lượng trên bộ của Ukraine khi họ giao chiến với quân đội Nga, cũng như giao tranh với máy bay chiến đấu của Nga để tranh giành ưu thế trên không”, bức thư viết.
Các nghị sĩ Mỹ trên cũng kêu gọi đưa ra quyết định nhanh chóng về vấn đề này, xét đến thời gian cần thiết để đào tạo các phi công Ukraine. Các nhà lập pháp cũng lưu ý rằng nhiều phi công Ukraine đã được huấn luyện với quân đội Mỹ trước xung đột và việc gửi máy bay “thể hiện sự đầu tư chiến lược hợp lý nhằm củng cố năng lực quân sự của Kiev và đưa cuộc xung đột này đi đến hồi kết”.
Cho đến nay, một số máy bay MiG-29 đã được chuyển giao cho Ukraine trong vài tháng qua, nhiều chiếc trong số đó đã được triển khai trong giao tranh. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng trong thực tế đã phần nào bị hạn chế do năng lực phòng không tốt của Nga.
Theo đánh giá của nhà phân tích về vấn đề xung đột và quốc phòng Sierra Alpha trên tạp chí quốc phòng Anh (ukdefencejournal.org.uk), thật không may, hạn chế tương tự này cũng sẽ xảy ra với bất kỳ thương vụ chuyển giao F-16 nào trong tương lai cho Ukraine, vì các hệ thống phòng không cơ động của Nga vẫn sẽ tiếp tục là mối đe dọa đáng kể đối với các hoạt động tác chiến trên không, bất kể năng lực chiến đấu của F-16 cao hơn so với MiG-29.
F-16 cũng tự hào có hệ thống điện tử và radar vượt trội so với các máy bay chiến đấu của Nga, ví dụ như Su-27 và Su-35, được biết đến là loại vũ thống trị khu vực Biển Đen. Kết hợp những ưu điểm này với gói vũ khí không đối không của Mỹ hiện được trang bị cho F-16 sẽ tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với lực lượng không quân Nga trong khu vực giao tranh và ở mức độ nào đó có thể giúp Ukraine chiến ưu thế trên không.
Thách thức huấn luyện và kỹ thuật
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Alpha, về bản chất, có một số hạn chế đối với việc chuyển giao F-16 cho Ukraine.
Vì là loại vũ khí mới lạ với Ukraine, các phi công của họ cần một giai đoạn để huấn luyện và đào tạo sử dụng để có thể phát huy tối đa ưu điểm của F-16. Điều này có nghĩa là các bên liên quan sẽ phải phân bổ một lượng lớn thời gian cho các phi công Ukraine cho quá trình đào tạo, nơi nhiều người cho rằng rút bớt các phi công khỏi nhiệm vụ chiến đấu sẽ gây nguy hiểm cho hiệu quả hoạt động của không quân Ukraine. Lực lượng không quân Ukraine nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu phi công trong một thời gian dài tại một số thời điểm.
Học cách bảo trì loại máy bay mới cũng đặt ra những thách thức trong việc đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên cùng với phi hành đoàn, điều này càng củng cố quan điểm rút những quân nhân quan trọng khỏi chiến trường trên trong khi việc chuyển giao thêm MiG-29 và hệ thống tên lửa phương từ Tây sẽ không yêu cầu công tác huấn luyện như vậy.
Vũ khí tối tân nhưng đắt đỏ
Xét về ưu điểm, các hệ thống điện tử và radar ưu việt cùng với những vũ khí không đối không của phương Tây có thể mang lại ưu thế trên không có lợi cho không quân Ukraine. Nhưng hạn chế là các hệ thống trên đều đắt đỏ và phương Tây sẽ không có số lượng lớn máy bay để chuyển cho Ukraine.
Một vấn đề tiềm năng khác là trong lĩnh vực ngoại giao. Nga sẽ tuyên bố rằng việc cung cấp máy bay tiên tiến cho Ukraine sẽ làm leo thang xung đột. Tránh leo thang là lý do cơ bản để chính quyền Biden ngăn Ba Lan chuyển máy bay phản lực khi xung đột bùng nổ, được cho là một phần của thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm xoa dịu các mối nguy hiểm hạt nhân từ Nga.
Đầu tháng này, Giám đốc điều hành của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã tuyên bố rằng công ty “sẽ tăng cường sản xuất F-16 ở Greenville, Nam Carolina để đạt được mục tiêu mà họ có thể hỗ trợ đầy đủ cho bất kỳ quốc gia bên thứ ba nào chọn giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại”.
Khi các cuộc thảo luận cấp cao về chủ đề này tiếp tục, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu Ukraine có được viện trợ F-16 hay không. Gần đây, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hà Lan đã từ chối loại trừ việc cung cấp những chiếc máy bay này từ kho của Hà Lan.