Hãng thông tấn DPA của Đức đưa tin đợt chuyển giao vũ khí này sẽ bao gồm cả gói hỗ trợ huấn luyện do Các lực lượng vũ trang Đức đảm nhiệm, kèm theo cơ số đạn là gần 60.000 loạt đạn.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht và người đồng cấp Ukraine Olexii Resnikov. Bà Lambrecht tuyên bố Gepard là “hệ thống vũ khí phòng thủ” với sức mạnh răn đe đáng nể để bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Theo gói viện trợ vũ khí của Đức, quân đội liên bang sẽ hỗ trợ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, cung cấp gần 60.000 viên đạn cũng như 15 hệ thống pháo tự hành Gepard vào tháng 7 tới.
Phát biểu sau cuộc điện đàm, Bộ trưởng Lambrecht nêu rõ: "Hôm nay, tôi đã thảo luận với người đồng cấp Ukraine Rezniko. Ông ấy tái xác nhận việc Ukraine mong muốn Đức nhanh chóng chuyển giao cho nước này các hệ thống phòng không Gepard cùng 59.000 viên đạn".
Bà Lambrecht cho biết thêm Đức đang phối hợp để đảm bảo chuyển cho Ukraine 15 chiếc Gepard đầu tiên vào tháng 7 tới cùng số binh sĩ được đào tạo của nước này.
Cuối tháng 4 vừa qua, Chính phủ Đức cuối cùng đã chính thức chấp thuận chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine sau nhiều tuần trì hoãn, một quyết định thay đổi lập trường vốn đã duy trì nhiều thập kỷ của nước này.
Hãng tin Interfax dẫn nguồn nhật báo Sueddeutsche Zeitung đưa tin ngày 26/4 rằng Đức đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine khoảng 50 tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard. Nghị sĩ Johannes Vogel thuộc đảng Dân chủ Tự do cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã công bố thông tin trên tại cuộc gặp quan chức các nước đồng minh, ở căn cứ không quân Ramstein trong cùng ngày.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải đối mặt với những chỉ trích từ trong và ngoài nước về việc chính phủ của ông không chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã đề nghị cung cấp Gepard cho Ukraine từ tháng 2, nhưng đã bị chính phủ của Thủ tướng Olaf ngăn cản. Các chuyên gia nhận định điều này đã làm giảm uy tín của Đức trên trường quốc tế và dẫn đến những hoài nghi về cam kết của nước này đối với an ninh châu Âu.
Gepard được phát triển lần đầu vào những năm 1960. Trong nhiều thập kỷ, loại vũ khí này đã trở thành “xương sống” của lực lượng phòng không Đứcsau nhiều lần nâng cấp hệ thống radar và nhắm mục tiêu. Được chế tạo theo khung của xe tăng Leopard 1, Gepard được trang bị hai khẩu pháo 35mm có thể tiêu diệt máy bay và tên lửa hành trình. Loại xe tăng này cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt máy bay không người lái và đối phó với các mục tiêu trên mặt đất. Các mẫu Gepard sau đó đã được trang bị thêm tên lửa phòng không Stinger, nhưng không rõ liệu chúng có phù hợp với loại được cung cấp cho Ukraine hay không.
Đầu tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin sẽ chuyển giao 7 lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Kiev để hỗ trợ nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Theo hãng tin Reuters (Anh), ông Eberhard Zorn, Tham mưu trưởng Quân đội Đức, xác nhận các lựu pháo này sẽ được lấy từ kho dự phòng của Đức và sẽ sớm chuyển giao cho Ukraine sau khoảng vài tuần bảo dưỡng. Ông Zorn cũng cho biết Đức dự kiến sẽ triển khai đợt huấn luyện đầu tiên bắt đầu từ tuần tới. Theo đó, khoảng 20 binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo sử dụng Panzerhaubitze 2000 tại thị trấn Idar-Oberstein. Ông nói thêm rằng những binh sĩ này đã có kinh nghiệm vận hành các loại xe tăng do Liên Xô chế tạo.
Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây, hơn 50% số người Đức được hỏi đều phản đối việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong khi chỉ có 43% nói rằng họ đồng ý. Kết quả thăm dò ý kiến do Viện trả lời các vấn đề xã hội của Đức (INSA) tiến hành cho thấy kết quả trên thay đổi hẳn so với một cuộc thăm dò tương tự trước đó do Viện Nghiên cứu xã hội và Phân tích thống kê Đức Forsa, cho thấy 51% số người được hỏi ủng hộ việc giao vũ khí tấn công cho Ukraine, trong khi chỉ có 37% người được hỏi phản đối điều này.
Cũng đầu tháng này, khoảng 20 nhà khoa học, văn hóa và chính trị gia nổi tiếng của Đức, trong đó bao gồm cả cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Antje Vollmer, đã gửi cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz một bức thư ngỏ kêu gọi ngừng giao vũ khí cho Ukraine.
Hầu hết các loại vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay đều là vũ khí do Liên Xô chế tạo, được lưu trữ trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu. Tuy nhiên, Mỹ và một số đồng minh khác đã bắt đầu cung cấp cho Kiev các loại vũ khí do phương Tây chế tạo.
Mỹ đã dẫn đầu nỗ lực chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong những tuần gần đây. Nước này đã gửi pháo tầm xa và hàng nghìn loại đạn, máy bay trực thăng và máy bay không người lái cảm tử cho Ukraine. Washington cũng đã đồng ý gửi xe tăng từ thời Liên Xô và các loại vũ khí khác cho Kiev.