Theo đài RT (Nga), khi cuộc xung đột Nga-Ukraine gần bước sang tháng thứ 3, người dân phương Tây đang chuyển hướng quan tâm vào các vấn đề trong nước nhiều hơn.
Vấn đề Ukraine có vai trò như thế nào đối với mọi người trên thế giới?
Cho dù lãnh đạo phương Tây có đứng về phía Ukraine hay không, thì công dân của 26 trong số 27 quốc gia được Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Ipsos có trụ sở tại Pháp tiến hành khảo sát hồi tháng 4 đều coi lạm phát là mối quan tâm số một của họ. Số nước này bao gồm cả các quốc gia có quan điểm cứng rắn với Nga (như Mỹ, Anh, Canada và Ba Lan) và những quốc gia không lên án Nga (như Ấn Độ, Nam Phi và Saudi Arabia).
Sau lạm phát thì đói nghèo, thất nghiệp, tội phạm và tham nhũng là bốn vấn đề đáng lo ngại tiếp theo. Cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia chỉ xếp ở vị trí thứ 11, giữa vấn đề biến đổi khí hậu và kiểm soát nhập cư.
Người dân Ba Lan lo lắng nhất về cuộc xung đột ở biên giới phía đông khi 38% người được hỏi cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Chỉ 20% người Mỹ đánh giá đây là vấn đề số một của họ, trong khi chỉ 13% người Hungary, những người có chung biên giới với Ukraine, đánh giá vấn đề này hàng đầu.
Người phương Tây có tán thành việc gửi vũ khí đến Ukraine?
Một số muốn gửi vũ khí cho Ukraine. Theo cho một cuộc thăm dò gần đây của Viện Dân chủ (Mỹ), trong khi Mỹ đã cấp số vũ khí trị giá gần 4 tỷ USD cho Ukraine và đang chuẩn bị cấp phép một gói viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 40 tỷ USD khác, thì đa số người dân Mỹ được hỏi lại nói rằng họ thấy việc Ukraine thua trong cuộc xung đột với Nga là bình thường.
Tuy nhiên, đa số (59%) người được Ipsos thăm dò ở Mỹ vào tháng trước ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine; đa số người ở Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Canada, Ba Lan, Pháp, Đức và Australia cũng ủng hộ.
Sau 1 tháng, người Đức ngày càng không hài lòng khi chính phủ gần đây đã đảo ngược chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hòa bình trong nhiều thập kỷ để chuyển vũ khí tới Ukraine. Song các cuộc thăm dò mới nhất của các mạng RTL và N-TV của Đức cho thấy tỷ lệ ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine giảm từ 55% vào tháng 4 xuống còn 46% vào tháng 5. Trong khi đó, 44% người Đức hiện lên án chính sách này, tăng so với mức 33% hồi tháng 4.
Tỷ lệ ủng hộ các biện pháp trừng phạt?
Các biện pháp trừng phạt Nga vẫn được ủng hộ rộng rãi. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy 67% người Mỹ và 80% công dân châu Âu ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ở Anh, 78% người được Ipsos thăm dò ý kiến trong tháng này ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, nhưng tỷ lệ người sẵn sàng chấp nhận giá thực phẩm và năng lượng cao hơn để làm tổn hại nền kinh tế Nga lại thấp hơn.
Một cuộc thăm dò của Sunday Telegraph vào tháng trước cho thấy 36% người Anh sẽ chịu đựng chi phí nhiên liệu cao hơn để gây sức ép với Nga, giảm so với mức 50% một tháng trước đó.
Các lệnh trừng phạt gây ra hậu quả và thiệt hại tài chính cho cả phương Tây và Nga. Tại Mỹ, người dân đang phải chật vật với giá khí đốt cao kỷ lục, lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, lương thực và hàng tiêu dùng đều thiếu thốn.
Ở Anh, công chúng đang mất niềm tin vào đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson liên quan việc quản lý nền kinh tế.
Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đang có xu thế giảm dần, trong bối cảnh sản lượng công nghiệp giảm và nền kinh tế Đức được dự đoán sẽ suy giảm nếu cấm nhập khẩu năng lượng Nga.
Người phương Tây có ủng hộ NATO không?
Tỷ lệ ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO đã tăng vọt vào tháng 3. Công dân Phần Lan hiện ủng hộ áp đảo việc gia nhập liên minh, trong đó 76% ủng hộ tư cách thành viên NATO trong tháng này so với 53% vào tháng 2.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin tuyên bố ngày 12/5 rằng nước này sẽ sớm đệ đơn xin gia nhập NATO.
Tại Thụy Điển, có 57% số người được hỏi ủng hộ tư cách thành viên NATO vào tháng trước, tăng từ 51% vào tháng 3. Các báo cho rằng Chính phủ Thụy Điển sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với Phần Lan trong tuần tới.
Tại Áo, một quốc gia trung lập, đại đa số dân chúng (75%) phản đối tư cách thành viên NATO, trong khi phần lớn người dân ở Ireland trung lập muốn đứng ngoài liên minh.