Đông Nam Á cảnh giác với nguy cơ COVID-19 lan rộng 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/4, trong một tháng qua, số người mắc COVID-19 tại Đông Nam Á đã tăng 481%. Mức gia tăng mạnh nhất thế giới này đã làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát diện rộng trong khu vực. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Gia tăng đột biến

Đài Sputnik của Nga dẫn báo cáo tình hình dịch bệnh hàng tháng của WHO cho biết số ca mắc mới trong 28 ngày từ ngày 13/3 - 9/4, đã giảm xuống ở bốn trong số sáu khu vực được theo dõi gồm châu Phi, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 lại tăng lên ở hai khu vực: Đông Nam Á (481%) và Đông Địa Trung Hải (144%).

Tỷ lệ mắc tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1.198% từ 49 ca lên 636 ca mới. Tiếp theo là mức tăng 937% từ 6.374 ca lên 66.124 ca ở Ấn Độ và tăng 614% từ 21 ca lên 150 ca ở Maldives.
WHO cho biết số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 109% ở Đông Nam Á và 138% ở Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đang giảm xuống.

Đáng chú ý, xu hướng gia tăng này diễn ra trong bối cảnh biến thể phụ mới của Omircon là Arcturus đang chiếm ưu thế tại một số quốc gia và khiến WHO đặc biệt quan tâm. Arcturus lần đầu được phát hiện trong một mẫu xét nghiệm hồi tháng 1 và hiện đã được ghi nhận ở 29 quốc gia. Đến cuối tháng 2, chủng Arcturus chiếm 0,21% các trường hợp trên toàn thế giới. Một tháng sau, con số này đã tăng lên 3,96%.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 là dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đang chuyển sang trạng thái đặc hữu. Dựa trên thực tế rằng phần lớn ca bệnh có triệu chứng và mức độ bệnh khá nhẹ cho thấy COVID-19 sẽ tiếp tục "sống chung" với con người trong tương lai gần, gây bệnh nhẹ theo mùa, giống như các loại virus corona khác ở người gây ra khoảng 30% ca bệnh cảm lạnh thông thường. 

Đề phòng lan rộng

Đối mặt với diễn biến đáng chú ý trên, chính phủ các nước Đông Nam Á đều cảnh giác đề phòng virus SARS-CoV-2 lan rộng. 

Giới chức trách ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang chuẩn bị sẵn sàng cho một làn sóng gia tăng ca mắc do người dân gia tăng đi lại và gặp gỡ trong dịp nghỉ lễ, cũng như là sự xuất hiện của biến thể Arcturus dễ lây nhiễm hơn. 

Tờ Bangkok Post đưa tin Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DDC) hôm 16/4 dự báo số ca nhiễm virus sẽ tăng mạnh sau lễ hội Songkran vào tuần trước. Đây là lần đầu tiên lễ hội đón năm mới truyền thống của Thái Lan được tổ chức ở quy mô lớn sau ba năm hạn chế vì đại dịch. Đích thân Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã xuất hiện không báo trước và tham gia té nước tại đường Khaosan nổi tiếng ở thủ đô Bangkok.

Chú thích ảnh
Người dân và du khách vui chơi trong Tết cổ truyền Songkran ở Bangkok, Thái Lan, ngày 13/4/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng giám đốc DDC Thares Krasanairawiwong cảnh báo rằng số ca nhiễm ở nước này sau lễ hội Songkran có thể cao hơn cả đợt sau Tết Nguyên đán, khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Với sức hút nổi tiếng, sự kiện kéo dài ba ngày này không chỉ hấp dẫn người dân trong nước mà còn được đông đảo du khách nước ngoài hưởng ứng. Những người tham gia lễ hội té nước không phải xét nghiệm COVID-19 và hầu hết đều không đeo khẩu trang.

Từ ngày 9 - 15/4, ở Thái Lan có 435 người mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị. Con số này cao gần gấp ba lần so với tuần trước. Trong số đó có 30 người bị viêm phổi, 19 người phải thở máy và hai người đã tử vong. 

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi tất cả những người tham gia lễ Aidilfitri trong tuần này phải hoàn thành việc tiêm phòng COVID-19 trước khi đi. Quốc gia này vừa phát hiện hai trường hợp mắc biến thể phụ Arcturus từ nước ngoài nhập cảnh vào. 

Do đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đi lại, dự kiến có tới 120 triệu người Indonesia sẽ đổ ra đường mừng lễ Aidilfitri. Đây có thể là lượng người tham gia đông đảo nhất kể từ khi xảy ra đại dịch năm 2020.
Ông Widodo nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là tiêm chủng và tiêm nhắc lại, vì vậy những ai chưa thực hiện cần phải làm ngay”.

Tờ Jakarta Post đưa tin ngày 13/4, 174 triệu người Indonesia đã hoàn thành các mũi tiêm chủng cơ bản và 68 triệu người đã tiêm liều nhắc lại đầu tiên. Indonesia đã chứng kiến mức tăng nhẹ về số ca mắc COVID-19, với trên 900 trường hợp mỗi ngày kể từ hôm 11/4. Dù vậy, Tổng thống Widodo lưu ý con số này thấp hơn nhiều so với mức 8.000 ca nhiễm mỗi ngày mà WHO cho là đáng lo ngại.

Báo Straits Times đưa tin trước làn sóng COVID-19 gia tăng, các chuyên gia y tế ở Malaysia đã khuyến khích người dân nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng. 

Tin rằng số ca mắc COVID-19 có thể leo cao hơn nữa trong thời gian diễn ra lễ hội Hari Raya, các chuyên gia y tế khuyến nghị những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 thể nặng gồm người già, người béo phì, những người có bệnh nền và những người bị suy giảm miễn dịch cần chủ động đeo khẩu trang khi đến chỗ tập trung đông người. 

Chuyên gia y tế cộng đồng Sharifa Ezat Wan Puteh tại Đại học Kebangsaan Malaysia cho biết những người chưa tiêm chủng đủ liều cũng nên đeo khẩu trang. "Tốt hơn hết là hãy giữ an toàn. Hãy tiêm vaccine. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh cao, hãy đeo khẩu trang ở khu vực công cộng, nơi có nhiều người có thể lây truyền virus”, bà Sharifa nói. 

Bộ Y tế Malaysia hôm 13/4 cho biết tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 trong đầu tháng 4 đã tăng 17,6% so với tháng trước. Bộ trưởng Y tế Zaliha Mustafa cho biết trong số những người nhập viện, 63,8% ở độ tuổi từ 60 trở lên và 90,7% mắc bệnh lý nền. 

Hầu hết bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ. Và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân không tiêm vaccine cao gấp 6 lần so với những bệnh nhân đã tiêm vaccine. Đối với tình trạng lây nhiễm trong trường học, các chuyên gia Malaysia đề xuất phụ huynh không nên đưa trẻ có triệu chứng nhiễm virus đến trường.

Ngày 14/4, Bộ trưởng Y tế Singapore cảnh báo quốc gia này đang bước vào đợt lây nhiễm COVID-19 mới với số ca mắc hằng ngày ước tính tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3, lên 4.000 ca chỉ trong tuần trước. Khoảng 30% số ca mắc COVID-19 hiện nay là tái nhiễm, cao hơn mức từ 20-25% của đợt dịch gần nhất. 

Trong khi số ca bệnh đang tăng lên, chưa có bằng chứng cho thấy các chủng hiện tại gây ra những diễn tiến bệnh lý nghiêm trọng hơn. Số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị tăng từ 80 lên 220 người trong tháng 3 vừa qua, thấp hơn nhiều so với giai đoạn diễn ra đại dịch. Số ca mắc COVID-19 phải điều trị tích cực (ICU) duy trì ở mức thấp, dưới 10 bệnh nhân trong tháng 3.

Để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác... Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng, chống dịch.
Hoàng Trang/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Tài liệu mật rò rỉ gây chấn động; biến thể XBB.1.16 thống trị các ca COVID-19 ở châu Á
Nóng trong tuần: Tài liệu mật rò rỉ gây chấn động; biến thể XBB.1.16 thống trị các ca COVID-19 ở châu Á

Tài liệu mật bị rò rỉ gây chấn động không chỉ với nước Mỹ, Triều Tiên lần đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn, biến thể phụ của Omicron bùng phát trở lại châu Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Anh và Bắc Ireland là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN