Theo tờ Dailymail, báo cáo năm 2020 về các hoạt động hạt nhân mới được Lầu Năm Góc tiết lộ gần đây đã đề cập cụ thể tới các quốc gia: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
Báo cáo cho biết Mỹ đã có gắng đàm phán để giảm năng lực vũ khí hạt nhân của các nước từ năm 2010, nhưng không có quốc gia nào thuộc nhóm “kẻ thù tiềm tàng” của Mỹ giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia hoặc giảm số lượng vũ khí hạt nhân. Trái lại, các quốc gia này còn hành động theo hướng ngược lại.
Do đó, báo cáo cho rằng xung đột tiềm tàng trong khu vực ngày càng có khả năng xảy ra, liên quan tới các nước là kẻ thù của Mỹ và có vũ khí hạt nhân.
Báo cáo nhận định Nga và Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với Mỹ vì các nước này đã có công nghệ và vũ khí.
Năm 2019, Nga và Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung ký từ năm 1987. Hiệp ước này yêu cầu Mỹ và Liên Xô loại bỏ mọi loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hạt nhân có tầm từ 500 tới 5.500km.
Năm 2021, hai quốc gia đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START mới) thêm 5 năm. Hiệp ước này tăng cường an ninh quốc gia Mỹ thông qua đặt ra giới hạn có thể kiểm chứng về mọi vũ khí hạt nhân liên lục địa mà Nga triển khai.
Nga, vốn coi Mỹ và NATO là mối đe dọa chính với tham vọng địa chính trị, đã hiện đại hóa năng lực vũ khí, đang sử dụng bệ phóng và đầu đạn hạt nhân mới, cũng như phát triển 3 hệ thống vũ khí hạt nhân liên lục địa mới. Các hệ thống vũ khí này gồm máy bay công nghệ cao, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và ngư lôi tự động.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng số lượng và năng lực vũ khí hạt nhân, trong đó có tên lửa phóng từ tàu ngầm tân tiến nhất. Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay ném bom, giúp nước này có thể khai hỏa từ trên bộ, trên biển và trên không.
Triều Tiên liên tục tăng tốc theo đuổi vũ khí hạt nhân và tăng đáng kể các vụ thử tên lửa, gần đây nhất là thử tên lửa liên lục địa.
Về phần mình, Iran có công nghệ và năng lực phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng một năm nếu muốn. Báo cáo cho rằng chiến lược và hoạt động của Iran làm bất ổn các nước trong khu vực, đặt ra câu hỏi về cam kết lâu dài của Iran về từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, báo cáo năm 2020 cho rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ mang tính răn đe và chỉ được sử dụng trong trường hợp cực đoan nhằm bảo vệ đất nước hoặc đồng minh trước các cuộc tấn công nhằm vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.
Dailymail nhận định báo cáo năm 2020 đã giảm bớt tông so với báo cáo năm 2019 và không đề cập tới việc dùng vũ khí hạt nhân để thắng thế trong xung đột.