Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.722.692 ca, trong đó có 257.896 người đã thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.238.811 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 49.319 và 2.225.985 đang được điều trị tích cực.
Ngoại trừ Mỹ, nhìn chung dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt tại hầu hết các nước. Trong vòng 24 giờ qua, chỉ còn 5 quốc gia ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 200 người, gồm: Mỹ (2.246), Anh (693), Brazil (578), Pháp (330) và Italy (236).
Hai nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày 5/5 vẫn là Mỹ và Nga. Trong khi Brazil đang có nguy cơ trở thành “điểm nóng” dịch mới khi số ca mắc bệnh và tử vong ghi nhận theo ngày tiếp tục tăng dần đều trong mấy ngày gần đây.
Mỹ tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19 hàng đầu của thế giới, với số ca dương tính và tử vong ghi nhận theo ngày cao hơn hẳn các nước khác. Cụ thể, trong vòng 24 giờ qua, Mỹ xác nhận 23.306 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 2.246 người tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì đại dịch tại nước này lên lần lượt 1.236.141 và 72.167 trường hợp.
Tuy nhiên, tâm dịch New York đã không còn dẫn đầu về số ca tử vong trong ngày, thay vào đó là hai tiểu bang Pennsylvania và New Jersey.
Một mô hình dự đoán rất có uy tín tại Mỹ đã điều chỉnh tăng đáng kể dự báo số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại quốc gia này, sau khi nhiều vùng bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế. Cụ thể, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) dự báo, số ca tử vong sẽ tăng lên mức 134.475 vào ngày 4/8, gần gấp đôi so với con số dự báo 72.433 ca được đưa ra hôm 29/4 vừa qua.
Trong diễn biến khác, một trường công lập ở tiểu bang Montana sẽ trở thành một trong những trường đầu tiên mở cửa trở lại tại Mỹ sau khi phải đóng cửa do đại dịch COVID-19. Trường Willow Creek với 56 học sinh và 18 nhân viên đã bị đóng cửa gần hai tháng và sẽ mở cửa trở lại vào ngày 7/5. Quyết định trên được đưa ra dựa trên một cuộc khảo sát tại khu vực này cho thấy 3/4 phụ huynh muốn con họ quay lại trường, mặc dù chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến kỳ nghỉ mùa hè.
Tại Pháp, tính đến sáng 6/5 theo giờ Việt Nam, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 25.531 người (tăng 330 ca trong 24 giờ qua). Hiện Pháp có 24.775 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 773 ca so với hôm trước), trong đó 3.430 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 266 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 27 ngày nay.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand cho biết kể từ ngày 11/5, các nghị sĩ khi tham gia cuộc họp toàn thể sẽ đeo khẩu trang, nhưng khi phát biểu thì phải để hở mặt. Hoá chất rửa tay khô và khẩu trang sẽ được cung cấp tại lối vào các tòa nhà vì đeo khẩu trang là quy định bắt buộc bên trong trụ sở Hạ viện. Hạ viện là một trong những ổ dịch COVID-19 đầu tiên của Pháp, với 33 ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, 68 nghị sĩ, nhân viên và cộng tác viên có các triệu chứng của bệnh.
Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo thông báo hàng loạt biện pháp chuẩn bị cho ngày dỡ bỏ phong tỏa 11/5, theo đó thủ đô của Pháp sẽ có khoảng 30 phố đi bộ mới và 50 km đường dành cho xe đạp. Để hạn chế số lượng xe ô tô trong thành phố, chính quyền Paris đang sắp xếp để có thể tăng gấp đôi số chỗ đỗ xe tại các cửa ngõ vào thành phố. Những chỗ đỗ xe này sẽ được miễn phí đối với những người mua vé tháng hoặc vé năm của hệ thống giao thông công cộng.
Trong khi đó tại Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy, trong ngày 5/5, nước này ghi nhận 1.075 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại "quốc gia hình chiếc ủng" lên thành 213.013 người.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng lên 29.315 trường hợp (tăng 236 ca). Có 2.352 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 98.467 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 52 ca xuống còn 1.427 người.
Trước đó, sau 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, hôm 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giai đoạn sống chung cùng virus SARS-CoV-2.
Tại Anh, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tới hết ngày 5/5 đã lên tới 29.427 người, trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu và thứ 2 trên thế giới vì dịch COVID-19, chỉ sau Mỹ.
Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia cho thấy Anh đã vượt Italy - nước hiện ghi nhận 29.315 ca tử vong - và chỉ đứng sau Mỹ. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận 4.406 ca mắc bệnh và 693 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Nhà chức trách Anh cho biết trên 6,3 triệu công nhân của nước này đã được cho nghỉ phép và chính phủ đã dành 8 tỷ bảng (9,9 tỷ USD) để trả lương cho họ trong thời gian phong tỏa phòng dịch bệnh.
Ngày 5/5, Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober tuyên bố đại dịch COVID-19 tại nước này đã được kiểm soát, 3 tuần sau khi Áo bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Bộ trưởng Anschober khẳng định tình hình đang rất ổn định, khi số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm từ mức tăng 50% vào giữa tháng 3 xuống còn 0,2%. Ông nhấn mạnh giai đoạn đầu của việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã thành công, đồng thời kêu gọi người dân cẩn trọng dù các biện pháp nới lỏng đã được áp dụng.
Các cửa hiệu nhỏ và cửa hàng cây cảnh đã mở lại từ giữa tháng 4 sau một tháng Áo áp dụng lệnh phong tỏa. Người dân được yêu cầu phải đeo khẩu trang khi vào cửa hàng, lên phương tiện giao thông công cộng và thực hiện giãn cách xã hội. Các cửa hàng với quy mô lớn hơn sẽ hoạt động trở lại vào cuối tuần này. Dự kiến các trường học sẽ mở lại trong tháng này, trong khi các nhà hàng sẽ nối lại hoạt động vào giữa tháng 5.
Cùng ngày, Luxembourg đã hối thúc Đức chấm dứt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan tại biên giới trong bối cảnh các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn phối hợp ứng phó với đại dịch COVID-19.
Một số thành viên trong EU đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại theo từng giai đoạn sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã qua. Tuy nhiên, vào ngày 4/5, Đức vẫn quyết định duy trì kiểm soát tại khu vực biên giới với những nước láng giềng nhỏ hơn cho đến ít nhất là ngày 15/5 tới, bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết trong nội khối.
Ngoại trưởng Asselborn cảnh báo rằng việc kiểm soát và đóng cửa biên giới đang gây bất bình cho người dân ở hai phía, đồng thời kêu gọi ngừng biện pháp này. Theo ông, đây không chỉ là tín hiệu quan trọng đối với công dân tại khu vực châu Âu, mà còn cả việc khởi động lại Hiệp ước Schengen, một trong những thành tựu lớn nhất của quá trình thống nhất châu Âu.
Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận 185 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 25.613 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Tây Ban Nha có số ca tử vong hàng ngày dưới 200 người. Số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này trong 1 ngày qua tăng 2.260 ca, lên thành 250.561 ca.
Bộ Lao động Tây Ban Nha cho biết số người thất nghiệp tại nước này trong tháng 4 đã tăng hơn 280.000 người lên 3,8 triệu người. Nguyên nhân là do các biện pháp phong tỏa khiến ngành du lịch của nước này gặp nhiều khó khăn.
Số người thất nghiệp trong tháng 4 đã tăng gần 8% so với tháng 3 vừa qua. Chỉ riêng trong tháng 4, lĩnh vực dịch vụ vốn phụ thuộc lớn vào ngành du lịch đã ghi nhận 219.128 người thất nghiệp. Số lượng việc làm trong tháng 4 cũng giảm 548.000 việc làm so với cùng kỳ năm 2019.
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong ngày 5/5, nước này đã ghi nhận 10.102 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 155.370 ca.
Trong 24 giờ qua, LB Nga cũng ghi nhận 95 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 1.451 ca. Số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.770 người lên 19.865 người. Có 49,1% số ca các nhiễm mới được ghi nhận không có biểu hiện lâm sàng. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất trong 1 ngày với 5.714 ca.
Văn phòng Báo chí Bộ Y tế LB Nga dẫn lời Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga Sergei Avdeev cho biết thời điểm dịch bệnh tại Nga lên đến đỉnh điểm vẫn còn ở phía trước. Cơ quan Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và sức khỏe con người Rospotrebnadzor cho biết hơn 4,4 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã được thực hiện. Tính đến ngày 5/5, 222.000 người đang được giám sát y tế ở Nga.
Tại châu Á, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới cuối ngày 5/5, tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc là 10.804 người, trong đó bao gồm 3 ca mới được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh.
Số ca tử vong là 254 người, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp nước này có số ca mới mắc COVID-19 ở mức dưới 10 người.
Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hye đã công bố kế hoạch cho học sinh các cấp đi học trở lại. Theo đó, sau hơn 2 tháng nghỉ học vì đại dịch COVID-19, học sinh lớp 12 sẽ được trở lại trường đầu tiên vào ngày 13/5 để chuẩn bị ôn thi đại học. Từ ngày 20/5, học sinh các lớp 1, 2, 9, 11 cũng sẽ quay lại trường. Các trường mầm non sẽ mở cửa đón trẻ từ ngày 20/5 tới. Học sinh các lớp 3, 4, 8, 10 sẽ đi học trở lại từ ngày 27/5 và học sinh lớp 5, 6, 7 sẽ bắt đầu đi học từ ngày 1/6.
Bộ Y tế Iran ngày 5/5 công bố thống kê cho biết với 1.323 ca nhiễm, tính đến nay quốc gia này đã xác nhận tổng cộng 99.970 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó 6.340 ca tử vong, tăng 63 ca trong vòng 24 giờ qua.
Bộ Y tế Israel cuối ngày 5/5 thông báo đã ghi nhận 238 ca tử vong, và chỉ có 43 trường hợp mắc bệnh COVID-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong số 16.289 ca được ghi nhận dương tính với virus SARV-CoV-2 tới thời điểm này, 89 người hiện ở tình trạng nghiêm trọng. Trên 10.400 bệnh nhân đã phục hồi.
Cơ quan Cấp cứu quốc gia Israel (NEA) dự báo rằng có khả năng dịch COVID-19 tái bùng phát và tình hình sẽ tồi tệ hơn hiện nay. Để đối phó với nguy cơ sắp tới, NEA đã kêu gọi Chính phủ Israel tranh thủ thời gian dịch đang giảm để tăng cường trang bị trang thiết bị y tế cho bệnh viện như máy thở và thiết bị liên quan. Theo NEA, một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới có thể xảy ra vào thời điểm Năm Mới của người Do Thái vào giữa tháng 9 tới.
Dự báo số ca mắc có thể tăng gấp đôi so với hiện nay, lên tới hàng chục nghìn người. Hàng nghìn bệnh nhân sẽ phải nhập viện. Uớc tính con số tử vong là từ vài trăm cho tới vài nghìn người. Báo cáo trên được đưa ra sau khi Israel dỡ bỏ nhiều biện pháp phong tỏa và số ca mắc mới có xu hướng giảm.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 51.271 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.346 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.694 người dân ở khu vực này, tăng 23 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.999 trường hợp.
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày. Ngày 5/5, giới chức y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận 484 ca mắc bệnh cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 12.071 người. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này.
Trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục chuyển biến tích cực tại Thái Lan khi nước này ngày 5/5 đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày thấp nhất trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 9/3, với chỉ một trường hợp duy nhất. "Xứ sở chùa vàng" đồng thời không ghi nhận trường hợp tử vong nào vì COVID-19 trong ngày thứ năm liên tiếp.
Đến hết ngày 5/5, Thái Lan có tổng cộng 2.988 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng đã chữa khỏi cho 2.747 bệnh nhân COVID-19, trong khi vẫn còn 187 trường hợp đang được điều tại tại các cơ sở y tế.
Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) đang chuẩn bị khởi động chiến dịch có tên gọi “Chúng tôi yêu Thái Lan” (We Love Thailand) để kích cầu du lịch nội địa trong trường hợp nước này kiểm soát được dịch COVID-19.
Ngày 5/5, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch COVID-19 cho biết, tính đến chiều 5/5 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận 179 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia này lên thành 4.838 người, trong đó có 470 ca tử vong.
Theo ông Djamel Fourar – phát ngôn viên của ủy ban, 46 bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được chữa khỏi, nâng tổng số bệnh nhân được chữa khỏi lên thành 1.936 người. Những người mắc bệnh ở Algeria có độ tuổi trung bình từ 25 đến 60 tuổi (chiếm 56%) và 65% ca tử vong có độ tuổi 65 trở lên.
Ngày 5/5, Maroc tiếp tục ghi nhận mức tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở mức 3 con số trong hơn hai tuần qua. Cụ thể, nước này đã ghi nhận 166 ca nhiễm và 2 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở Maroc lên thành 5.219 người, trong đó có 181 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế Maroc, tổng số ca mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước này tính đến chiều 5/5 là 1.838 người. Hiện Maroc là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 3 ở châu Phi, sau Nam Phi và Ai Cập.