Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 5/5: Không có ca mắc mới; tập trung phục hồi kinh tế xã hội

Ngày 5/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 271 ca mắc. Trong ngày cũng đã có thêm 11 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có 2 bệnh nhân tái dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được ra viện.

Chú thích ảnh
Khai báo y tế, kiểm soát dịch COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN.

Như vậy, đã tròn 19 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 25.625 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 246 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.165 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 19.214 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hiện 2 bệnh nhân COVID-19 nặng là BN161 và BN19 đang tiến triển tốt trong điều trị.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Các trường hợp tái dương tính với vi rút đều không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào, sức khoẻ hoàn toàn bình thường. Ở đây chỉ là xét nghiệm thấy dương tính, nên các trường hợp này được vào cách ly theo dõi để đảm bảo cho cộng đồng; đồng thời, các bệnh nhân cũng không cần phải áp dụng biện pháp điều trị nào, chỉ theo dõi cách ly để nuôi cấy vi rút, đủ điều kiện âm tính và được ra viện.

Với các trường hợp sau khi khỏi bệnh về cách ly tại cộng đồng có kết quả xét nghiệm lần cuối tái dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2, có một số điểm đáng chú ý là ở những trường hợp tái dương tính không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào, các trường hợp hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường.

Sớm phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội

Sáng 5/5, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tháng 4 và 4 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng cơ bản là âm, các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu kép, đó là trong ngắn hạn bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và đồng thời tiếp tục phải thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết kịp thời về tháo gỡ sản xuất kinh doanh, hoãn giãn nộp thuế, về an sinh xã hội và những chỉ đạo khác về đảm bảo an ninh trật tự. Chính vì thế mà nền kinh tế không bị đứt gãy và vẫn tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp của Đảng, Nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả hệ thống chính trị và toàn dân, nên đại dịch cơ bản được đẩy lùi và kiểm soát, chi phí thấp, nhưng hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đến nay, cả nước chưa có người tử vong. Tỷ lệ số ca mắc COVID-19 so với số dân của nước ta thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế xã hội là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và của nhân dân cả nước trong giai đoạn hiện nay.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng cảm ơn những tấm lòng nhân ái; sự nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành; sự ủng hộ của toàn dân trong phòng chống dịch. Sau khi Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào ủng hộ chống dịch, đến nay đã quyên góp được khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy vậy, Thủ tướng cũng một lần nữa nhấn mạnh không được chủ quan với dịch. Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp trong tuần này để đưa ra các giải pháp tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Phiên họp này, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo trình tự thủ tục rút gọn; tình hình phòng chống dịch COVID-19; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP và một số vấn đề khác…

0 giờ ngày 6/5 công bố kết thúc cách ly đối với thôn Hạ Lôi

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ban, ngành Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, đặc biệt là trong các trường học, bệnh viện khi hoạt động trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát cứng cách ly y tế tại thôn Hạ Lôi dự kiến được dỡ bỏ từ 0 giờ ngày 6/5. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Chủ tịch UBND Mê Linh ra quyết định kết thúc cách ly khi hết thời hạn theo quy định, nới lỏng giãn cách xã hội đối với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) và ổ dịch ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín).

Thôn Hạ Lôi (có 13 ca mắc) đã được khoanh vùng, cách ly từ ngày 8/4, đến nay đã qua 26 ngày cách ly y tế. Nếu trong ngày 5/5 tại thôn Hạ Lôi không có ca nhiễm mới được ghi nhận, thì 0 giờ ngày 6/5 UBND huyện Mê Linh sẽ công bố kết thúc thời hạn cách ly đối với Hạ Lôi.

“Việc dỡ bỏ lệnh cách ly sẽ được thực hiện đúng quy định phòng dịch, có đại diện các sở, ban ngành, đại diện của nhân dân nhưng không quá 20 người. Huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không phải chủ quan”, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh khẳng định.

Về ổ dịch tại huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy cho biết, ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) vẫn đang được cách ly theo đúng quy định. Tất cả các trường hợp nghi ngờ đều được xét nghiệm và cách ly, hiện tại đều cho kết quả âm tính. Huyện cũng đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để các trường đón học sinh đi học trở lại. Ngày 8/5, thôn Đông Cứu cũng hết thời gian cách ly.

TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ 1.300 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

TP Hồ Chí Minh có hơn 570.000 người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 1.300 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho các đối tượng với mức từ 1 - 1,8 triệu đồng cho người lao động mất việc.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có 5 đối tượng được hỗ trợ: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hộ kinh doanh được hỗ trợ với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho người lao động khó khăn, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động và Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chi tiền hỗ trợ đến tận tay các nhóm đối tượng gặp khó khăn trên. Riêng với nhóm hộ kinh doanh cá thể, có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhóm hộ kinh doanh cá thể cùng với nhóm doanh nghiệp vay vốn trả lương cho lao động ngừng việc, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 10/5 sẽ chi hỗ trợ.

Cách ly 233 chuyên gia nước ngoài đến Bắc Ninh làm việc

Ngày 5/5, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận, cách ly 233 chuyên gia nước ngoài sang làm việc trong các công ty đối tác tại Việt Nam.

Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), các chuyên gia này đã được khai báo y tế và thực hiện các nội dung khác theo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam, được kiểm tra y tế, mặc trang phục bảo hộ chống dịch, di chuyển bằng xe chuyên dụng đã khử khuẩn về khách sạn tại huyện Yên Phong và TP Bắc Ninh.

177 chuyên gia trong tổng số 233 chuyên gia nước ngoài thực hiện việc cách ly tại Khách sạn J&C Hotel, huyện Yên Phong. Các chuyên gia này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo đúng quy định. Nếu sau 6 ngày có kết quả xét nghiệm âm tính lần một, 177 chuyên gia sẽ đến công ty làm việc. Quá trình di chuyển và làm việc được cán bộ y tế và Công an giám sát chặt chẽ. Tại văn phòng và phân xưởng, các chuyên gia được bố trí làm việc độc lập, đảm bảo cách ly tuyệt đối, không tiếp xúc với người xung quanh.

56 chuyên gia nước ngoài còn lại dự kiến sẽ đến làm việc tại một công ty khác, đã được bố trí cách ly tại tầng 9 đến tầng 13 của khách sạn Mường Thanh. Các chuyên gia này sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo đúng quy định. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, các chuyên gia được cấp giấy xác nhận cách ly 14 ngày theo quy định.

Vân Sơn/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ 1.300 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ 1.300 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

TP Hồ Chí Minh có hơn 570.000 người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 1.300 tỉ đồng. Hiện TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho các đối tượng với mức từ 1-1,8 triệu đồng cho người lao động mất việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN