10 giải pháp khôi phục kinh tế TP Hồ Chí Minh sau dịch bệnh COVID-19

Để hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngày 5/5/2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2020". Khoảng 50 doanh nghiệp đại diện 14 hiệp hội ngành nghề cùng lãnh đạo 11 sở, ngành, đơn vị liên quan, các chuyên gia kinh tham gia bàn các giải pháp khôi phục nền kinh tế.

Tập trung mọi nguồn lực khôi phục kinh tế

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham gia bàn giải pháp khôi phục nền kinh tế thành phố trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tại toạ đàm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, hiện tại chỉ còn 11 trường hợp đang điều trị trong tổng số 55 ca nhiễm, trong đó có 9 người dương tính trở lại. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trong quý I/2020, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ năm 2019 và mức tăng trưởng này thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay. Dù vậy, với vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế, TP Hồ Chí Minh luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước, trung bình 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài.

Nhưng với sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ có tác động nhiều đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong cho biết hiện thành phố sẽ tập trung nguồn lực, mọi giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế. 

“Thành phố đang đứng trước những khó khăn lớn do tác động của dịch gây ra, điều nằm ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Ngay thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố phải đoàn kết một lòng, siết chặt tay nhau, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp tại thành phố tiến hành phun xịt khử khuẩn trước khi mở cửa hoạt động trở lại để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sắp tới, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, ngoài sự nỗ lực tự thân doanh nghiệp để vượt qua các tác động của dịch bệnh COVID-19, từ khâu đầu vào như nguyên vật liệu, lao động, vốn đến khâu đầu ra như khách hàng, thị trường, đối tác thì doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.

“Nếu chậm trễ sẽ làm doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn và đi đến phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy: tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội và gia tăng tội phạm… Trước mắt, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để giảm tiền thuê đất, giãn thuế, đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ cho người lao động… đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm.

Mở cửa dần với các đối tác kiểm soát dịch tốt

Chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cho biết muốn thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế sau dịch bệnh, trước mắt thành phố cần dự báo một số nước đối tác có thể mở cửa giao thông sớm. Việc mở cửa sớm với đối tác cần dựa trên 3 lĩnh vực: đầu tư, thương mại, du lịch. Từ đó, xác định thời điểm nào các nước đối tác ra khỏi dịch để chủ động liên hệ các quốc gia đó mà mở cửa nền kinh tế với họ. Ví dụ, ngành du lịch có thể mở cửa trong tháng 6 - 7 với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Đây là những nước đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, lượng người được chữa khỏi cũng gia tăng.

Theo đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 10 giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch bệnh. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện phòng dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể, sắp tới các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước và với điều kiện cụ thể, thời điểm khác nhau, từ tháng 5 đến tháng 12/2020.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm bàn giải pháp phát triển, khôi phục kinh tế thành phố. Ảnh: TTBC

Thứ 2, ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp với các giải pháp: hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 và 6/2020); hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Thứ 3, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Thứ 4, dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp. Áp dụng các tiêu chí phù hợp để đảm bảo an toàn khi mở cửa với các nước.

Thứ 5, thúc đẩy số hóa toàn bộ tài nguyên của doanh nghiệp. Lâu nay các sở, ban, ngành, đơn vị quản lý bằng giấy tờ, giờ cần thúc đẩy số hóa hình thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế thành phố. Trên cơ sở đó, phát triển quản trị thông minh chung cả ngành kinh tế của thành phố. UBND TP Hồ Chí Minh cần có đề án trình bày việc tiến hành số hóa của từng ngành thành phố hiện nay và khảo sát xem các doanh nghiệp thực hiện đến đâu để hỗ trợ chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của COVID-19.

Thứ 6, cần đẩy mạnh mạnh đầu tư công, tiến đến tháng 10/2020 thành phố phải giải ngân được 80% vốn đầu tư công.

Thứ 7, đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2; phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh đầu tư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Thứ 8, tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, khôi phục thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thứ 9, tiếp tục thực hiện các chương trình khởi nghiệp, đổi mới công nghệ sáng tạo. Việc này vừa qua thành phố đã làm khá tốt, nhưng trong tình hình dịch bệnh nên chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bị chậm lại.

Cuối cùng, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cần chú trọng với giải pháp phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá của thành phố (đổi mới quản lý thành phố, phát triển hạ tầng thành phố, phát triển nhân lực và văn hóa thành phố) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố) giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 để phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2021.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Doanh nghiệp FDI ấn tượng môi trường kinh doanh Việt Nam
Doanh nghiệp FDI ấn tượng môi trường kinh doanh Việt Nam

Tại lễ Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 5/5, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay: Điều tra PCI năm 2019 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương được cải thiện, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đánh giá tích cực môi trường kinh doanh Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN