Theo đánh giá của VNREA, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng do việc thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, nhóm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, kinh doanh dịch vụ bất động sản (môi giới, tư vấn bất động sản), đầu tư, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Mặc dù đã chủ động nhiều biện pháp khắc phục khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn này – VNREA nhận định.
Hàng loạt khó khăn được VNREA tập hợp từ các doanh nghiệp để viện dẫn như: hoạt động đầu tư kinh doanh đình trệ; nguồn cầu giảm. Cùng đó, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường cũng như việc bán hàng “cắt lỗ” của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng... khiến thị trường càng khó khăn hơn.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, do tác động của dịch COVID–19, hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch trên thị trường bất động sản đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại và tạo thêm những thách thức mới đối với lĩnh vực này. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm tới 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn.
Thống kê từ VNREA cũng cho thấy, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành giảm sút lên đến gần 90%; phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Thời gian tới, nếu dịch bệnh thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất cũng đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 - 70% cho năm 2021.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét, bất động sản là loại hàng hoá đặc thù riêng với dòng tiền lớn, các sản phẩm có giá đắt đỏ. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ chững lại và là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì vắng khách. Tương tự, các phân khúc bán lẻ, văn phòng cũng bị ảnh hưởng bởi người dân ít ra ngoài đường và không đến chỗ đông người – ông Võ phân tích.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh cho thuê bất động sản như trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng… cũng bị thiệt hại nặng nề do việc kinh doanh, bán hàng của khách thuê bị đình trệ, gián đoạn. Số lượng hợp đồng cho thuê mới hầu như không có. Nhiều đơn vị thuê trả lại mặt bằng vì không đủ kinh phí. Hầu hết các cơ sở cho thuê văn phòng, thương mại phải giảm giá từ 30 - 50% tiền thuê trong thời gian chống dịch COVID-19.
Không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, bất động sản công nghiệp, bất động sản nông nghiệp được hình thành có quy mô lớn, công nghệ đầu tư, máy móc thiết bị phải đối mặt khó khăn trong việc xây dựng chuỗi hàng hoá dịch vụ, logistics phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng của doanh nghiệp bất động sản đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, phá sản, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh.
Mặc dù Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương đã kịp thời có những cơ chế chính sách cùng nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng VNREA cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
VNREA dẫn chứng, ở lĩnh vực tín dụng, doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn về hồ sơ chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ, thủ tục để chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh. Các thủ tục này thực sự rất phức tạp; thậm chí, việc xác định mức hỗ trợ lãi suất của ngân hàng mang tính “định tính”.
Do đó, mức hỗ trợ đưa ra dường như chỉ mang tính “hình thức”. Trên thực tế, một số doanh nghiệp tính toán, họ chỉ được giảm 0,2 - 0,5% lãi suất chứ không được đến 2-3% lãi suất như các ngân hàng công bố.
Về thuế, doanh nghiệp cũng “vướng” khi phải chứng minh bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Theo VNREA, việc đánh giá thế nào là “ảnh hưởng trực tiếp” không hề đơn giản và có thể có những cách hiểu khác nhau, chưa kể nếu áp theo quy định thì còn có nhiều thủ tục hành chính cần phải thực hiện để được hỗ trợ...
Để doanh nghiệp tiếp cận được các hỗ trợ của Chính phủ, nhanh chóng phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, VNREA kiến nghị, về tín dụng, cần quy định cụ thể, chi tiết danh mục hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thực hiện việc xin hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, không gây khó khăn.
Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ (thay vì quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn vay như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đang quy định).
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được xem xét hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.
Vì dịch COVID-19 là bất khả kháng đối với tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên VNREA đề xuất áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch.
Tuy nhiên, hiện việc xác định thiệt hại của từng doanh nghiệp do dịch bệnh cho các cơ quan như hướng dẫn của Tổng cục Thuế vừa gây khó cho các cơ quan này, vừa làm gia tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí và thời gian của doanh nghiệp. Vấn đề này cần có giải pháp để tránh ảnh hưởng tới tính kịp thời của việc áp dụng giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình cấp bách.
Bởi vậy, VNREA đề nghị công bố danh mục lĩnh vực kinh doanh (mã ngành) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó, có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bất động sản du lịch... đều được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế, mà không cần phải có xác định mức độ thiệt hại như quy định hiện hành; đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cùng với việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả quý III, IV/2020 và quý I, II/2021, VNREA cho rằng, cần miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021; giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động...; đặc biệt, xem xét giảm tiền thuê đất năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp.
Thêm một nội dung được các doanh nghiệp nêu là theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, ký quỹ là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1 - 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể.
Tuy nhiên, mức ký quỹ này trên thực tế là rất lớn, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh. VNREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các Nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong thời gian xảy ra dịch bệnh.