Báo cáo PCI 2019 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.
Quảng Ninh giữ quán quân PCI 2019, TP Hồ Chí Minh tuột khỏi Top 10
Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI, Quảng Ninh và Đồng Tháp vẫn lần lượt nắm giữ vị trí quán quân và á quân. Với 73,40 điểm trong PCI 2019, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, Quảng Ninh lần thứ 3 giữ ngôi quán quân Bảng xếp hạng PCI còn á quân Đồng Tháp đạt 72,10 điểm.
PCI 2019 ghi nhận bước tiến của Vĩnh Long khi thăng hạng từ vị trí thứ 8 (với 65,53 điểm) năm 2018 lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm. Bắc Ninh bứt phá trở lại Top 10 tỉnh/thành có chỉ số PCI tốt nhất năm 2019 với 70,79 điểm và giữ vị trí thứ 4, trong khi TP.Hồ Chí Minh tuột khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 14. Đà Nẵng và Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ trong bảng xếp hạng PCI. Đà Nẵng vẫn ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 70,15 điểm còn Hà Nội “ổn định” ở vị trí thứ 9 với 68,80 điểm.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, một số chuyển biến rõ nét trong chất lượng điều hành kinh tế các địa phương bao gồm: Mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp có cải thiện; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực… góp phần tạo ra công văn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của Quốc gia.
Điều tra PCI 2019 cho thấy, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức, cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI cũng chia sẻ thêm, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế. Phía doanh nghiệp FDI cũng mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động kỹ năng.
Tại lễ công bố, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Bức tranh toàn cảnh môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70 - 80 % doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng về cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết, sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.
VCCI thống kê, mức độ tự động hoá hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán. Theo đó, 67% doanh nghiệp chia sẻ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua; 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới. Cả các doanh nghiệp tự nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.
"Tuy nhiên, công nghệ hóa cũng đi kèm nỗi lo bài toán việc làm. Phần lớn kỹ năng của người lao động Việt Nam còn thấp; sự mong manh của các chuỗi cung ứng trước các cuộc chiến tranh thương mại, trước những chuyển động địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới, trước dịch bệnh như COVID-19 hay những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu… đang thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng tự động hoá và số hoá này. Nếu tiếp tục hỏi doanh nghiệp trong cuộc khảo sát năm nay thì chắc chắn tỷ lệ hướng tới tự động hoá và số hoá còn cao hơn nữa", ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Mặc dù đã có những cải tiện khởi sắc, nhưng theo Chủ tịch VCCI, không gian cải thiện điều hành kinh tế vẫn còn lớn với chính quyền các địa phương, đó là sự minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan tới đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, đô thị và quyết định chủ trương đầu tư… Theo khảo sát, có tới 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm qua vẫn gặp khó khăn trong thủ tục hành chính đất đai, giải phóng mặt bằng, gần tương đương với tỷ lệ 63% doanh nghiệp...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho hay: Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của FDI trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo lĩnh vực đầu tư, FDI đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là lĩnh vực bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD và 665 triệu USD.