Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã triển khai và phân giao nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị trong thực hiện cải thiện chỉ số này ngay trong năm 2019, đồng thời, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Tăng, nhưng chưa đột phá
Theo kết quả công bố, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2018 đạt 61,73 điểm (tăng 1,9 điểm so với năm 2017), xếp thứ 49/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 2 hạng so với năm 2017).
Trong 3 năm gần đây, chỉ số PCI của tỉnh đều tăng hạng và điểm số so với cả nước, thuộc nhóm trung bình. Tuy nhiên, nếu so với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vị trí xếp hạng PCI của tỉnh chưa được cải thiện, xếp thứ 13/13 tỉnh, thành phố.
Phân tích kết quả PCI tỉnh Cà Mau năm 2018, có 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2017 và cao hơn điểm trung bình của cả nước, gồm các chỉ số: Tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng.
Trong đó, chi phí gia nhập thị trường là chỉ số có điểm số và xếp hạng cao nhất (4/63) trong 10 chỉ số thành phần PCI; chỉ số tính minh bạch (xếp hạng 22/63, tăng 34 hạng) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (xếp hạng 24/63, tăng 19 hạng) so với năm 2017. Kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành của tỉnh trong công tác cải thiện và nâng cao PCI của tỉnh trong năm qua.
Bên cạnh kết quả đạt được, kết quả PCI của tỉnh năm 2018 vẫn còn 5/10 chỉ số thành phần có điểm số và xếp hạng thấp hơn trung bình cả nước, gồm các chỉ số: Thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, tính năng động, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, ngay khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả PCI tỉnh Cà Mau năm 2017 đạt 59,83 điểm, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 3 hạng so với năm 2016), UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải thiện chỉ số PCI và đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội nghị bàn giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2018.
Thông qua hội nghị đã ghi nhận các chia sẻ, bài học kinh nghiệm, mô hình thực tiễn từ chuyên gia và các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp cũng như tham luận, đề xuất của đại biểu tham dự tại hội nghị.
Để các mục tiêu được triển khai quyết liệt, tháng 6/2018, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch về cải thiện, nâng cao chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2018 và tiếp tục ban hành kế hoạch bổ sung.
Trong đó, xác định rõ chỉ tiêu, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể đối với các chỉ tiêu; phân công rõ đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện, bộ phận đầu mối theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp đánh giá; đảm bảo nội dung được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các giải pháp, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức đối thoại và nâng cao chất lượng đối thoại với công dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính và công khai đầy đủ các thủ tục hành chính, các tài liệu quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử thành phần theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4; nâng cao chất lượng hoạt động của các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản và các hội nghề nghiệp khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho rằng, thời gian tới, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trước những chỉ số thành phần khi được giao nhiệm vụ; phải công khai, minh bạch các chính sách, chủ trương; quan tâm hơn đến hoạt động đối thoại với doanh nghiệp.
Trong đối thoại với doanh nghiệp, cần rà soát lại cách làm, đặc biệt là chất lượng; chú trọng chất lượng giải quyết các thắc mắc, phản ảnh của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, trách nhiệm, tinh thần phục vụ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy tốt hơn các hội, hiệp hội là đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tiếp tục ưu tiên cải thiện những chỉ số giảm điểm
Để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau đã đẩy nhanh công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2019.
Trong đó, phân công các đơn vị phụ trách đầu mối 10 chỉ số thành phần, gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, phân công rõ 128 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần của PCI cho từng sở, ban, ngành cụ thể, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm chính trong thực hiện, đánh giá.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2019, tỉnh xác định cần phải tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch cải thiện và nâng cao PCI năm 2019 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt để tiếp tục duy trì, phát huy thêm đối với nhóm 5 chỉ số thành phần năm 2018 tăng điểm so với năm 2017, cao hơn điểm trung bình của cả nước gồm các chỉ số: Tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung ưu tiên, cải thiện quyết liệt trong năm 2019 đối với 5 chỉ số thành phần năm 2018 có kết quả giảm điểm so với năm 2017, thấp hơn điểm trung vị cả nước. Đơn cử như đối với chỉ số Đào tạo lao động, Cà Mau xác định, giải pháp cần thiết là tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; đơn giản thủ tục hành chính ở cả 3 cấp có liên quan đến quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định.
Tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, tăng cường mở rộng ngành nghề, số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của cả 3 trình độ: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, chú trọng các ngành nghề trọng điểm gắn với nhu cầu sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với lao động của tỉnh để có cơ sở đánh giá, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời; khảo sát thông tin về nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, chất lượng hệ thống dữ liệu việc tìm người và người tìm việc, tạo điều kiện hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia tư vấn tuyển dụng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp…
Đối với chỉ số Tính năng động, tỉnh tăng cường công tác đối thoại và nâng cao chất lượng tổ chức đối thoại về thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư còn gặp khó khăn, vướng mắc; tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối, tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tỉnh đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính của tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư gia nhập thị trường cũng như các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Đối với chỉ số Thiết chế pháp lý, tỉnh tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện quyền tố cáo, khiếu nại các hành vi tham nhũng, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm của một số bộ phận thuộc cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng tập trung nâng cao chất lượng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh rà soát, giải quyết hồ sơ thi hành án có đủ điều kiện thi hành và tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo, phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vụ án kinh doanh thương mại và các tranh chấp khác có liên quan đến doanh nghiệp đảm bảo đúng pháp luật, nhanh chóng, công bằng.
Song song đó, các ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu gây phát sinh các chi phí không chính thức trong thực thi công vụ, đảm bảo về tỉ lệ giải quyết án kinh doanh thương mại đạt trên 85%; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án để hạn chế tối đa thời gian đi lại của những người tham gia tố tụng tại tòa án cũng như tra cứu thông tin giải quyết vụ việc trên Trang Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh mà không cần trực tiếp đến...