Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận nhiều nhiệm vụ cơ bản của Đề án 896 đã hoàn thành, 19/20 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đã được ban hành.
Nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành kế hoạch để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong các Nghị quyết của Chính phủ. Vấn đề đăng ký nguồn vốn thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đã được tháo gỡ.
Theo lộ trình của Đề án 896, thời gian chỉ còn hai năm (2019 - 2020), để triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH của Quốc hội.
Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2020, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc thu thập thông tin, bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác, kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các cách làm hay để đẩy nhanh tiến độ thu thập và nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quá trình thu thập thông tin về dân cư có nhiều trường hợp phải đính chính, sửa đổi, bổ sung do thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác. Để xử lý vấn đề này, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ của mình trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, đăng ký, quản lý cư trú; chủ động xử lý hoặc phối hợp xử lý để tạo thuận lợi cho nhân dân.
Đối với việc cấp số định danh cá nhân, Phó Thủ tướng Thường trực phê bình Bộ Nội vụ và yêu cầu Bộ này cần khẩn trương, nghiêm túc trình Chính phủ ban hành Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ và ban hành kế hoạch để thực hiện. Đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục công tác triển khai, thu thập thông tin dân cư và mở rộng việc cấp số định danh cá nhân.
“Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Kế hoạch năm 2019 của Ban Chỉ đạo 896, tôi đề nghị tất cả các thành viên của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính và Văn phòng Chính phủ cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, năng động, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ- Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 896, thực hiện kế hoạch triển khai Đề án 896 năm 2018, đến nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 và các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án theo đúng tiến độ đề ra.
Trong đó, đối với việc cấp số định danh cá nhân, năm 2018, Bộ Công an đã phối hợp với với Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung có chức chức năng kết nối, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Đến nay đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân tại 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng thời, cung cấp dữ liệu có liên quan đến trẻ em, cha, mẹ của trẻ em được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đúng quy định của pháp luật; cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay đã cấp được 12 triệu trường hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 896 cũng gặp một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, đối với triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin nhóm A liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, địa phương với các quy trình, thủ tục rất phức tạp về phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và cách thức tổ chức thực hiện mà từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ được áp dụng. Vì vậy, đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Việc tổ chức xử lý dữ liệu (scan) Phiếu thu thập dữ liệu dân cư sau khi các địa phương hoàn thành với khối lượng lớn, thời gian thực hiện ngắn, trong khi thiết bị, máy móc để xử lý dữ liệu chưa được trang bị nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án…