Hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân - Bài 2: 'Kim chỉ Nam' của nền hành chính hiện đại

Bức tranh cải cách hành chính tại tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập.

Chú thích ảnh
Cà Mau tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: camau.gov.vn

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực. Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, địa phương xác định việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ then chốt.

Nâng chất lượng cho đội ngũ cán bộ

Để cụ thể hóa những mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố khẩn trương kiện toàn bộ phận một cửa; triển khai toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại bộ phận một cửa; kiện toàn Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Đặc biệt, Cà Mau đã ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống các cơ quan nhà nước và nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn. Đồng thời, trên cơ sở kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2018, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tập trung xây dựng Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAPI trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, những năm qua, vấn đề này luôn được địa phương quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ, công chức tại tỉnh Cà Mau có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu công việc cũng như những áp lực trong thực thi công vụ. Việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định, bước đầu bố trí các chức danh công chức phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo. Việc quản lý, sử dụng công chức dần đi vào nền nếp, hầu hết công chức đều có trách nhiệm với công việc, từ đó, góp phần giúp hệ thống chính trị nói chung và UBND cấp xã nói riêng hoạt động hiệu quả.

Liên quan đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu lưu ý các trường hợp tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm người nhà, người thân của lãnh đạo; các trường hợp bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ của thủ trưởng đơn vị... Theo đó, các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm, chất lượng và đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai trong công tác tổ chức cán bộ. Các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/11/2019.

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Thời gian qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) đạt kết quả tích cực.

Lần đầu tiên đến UBND xã làm giấy tờ, ông Lâm Hoàng Vũ, xã Khánh Bình, cho biết, ông được công chức xã hướng dẫn chu đáo, nhận kết quả nhanh chóng với thái độ gần gũi, thân thiện đã thể hiện rõ nền hành chính hiện nay đang chuyển biến từ hướng quản lý sang phục vụ người dân.

Mỗi ngày, công chức bộ phận một cửa của xã Khánh Bình đều tiếp hàng chục lượt người dân, doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết các loại thủ tục hành chính, chủ yếu là giấy tờ liên quan đến đăng ký thường trú, khai sinh, khai tử, đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế, bổ sung hộ tịch… Tuy nhiên, “sự nặng nề” khi người dân phải đến cơ quan công quyền đã không còn mà thay vào đó mỗi người dân đều được công chức phụ trách bộ phận một cửa tận tình hướng dẫn chi tiết các thủ tục,  giấy tờ. Các thủ tục trong ngày luôn được rút ngắn thời gian giải quyết, không để xảy ra tình trạng kéo dài, để người dân chờ đợi phiền hà.

Ông Lê Hoàng Khang, công chức Tư pháp, Hộ tịch của xã Khánh Bình, chia sẻ: Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa của xã được đầu tư khang trang, tạo thuận lợi cho công chức ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện. Thời gian qua, một số thủ tục rườm rà, phức tạp được công chức linh hoạt trong cách giải quyết nhưng vẫn giữ đúng nguyên tắc, không để người dân gặp vướng mắc hay chờ đợi quá lâu.

Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại cơ sở, UBND xã Khánh Bình thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch thông tin, đồng thời, chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của xã. Qua rà soát 14 lĩnh vực, 143 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, có 67 thủ tục cắt giảm thời gian giải quyết từ 10-30%. Từ đầu năm đến nay, UBND xã Khánh Bình đã giải quyết trên hai ngàn hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nhập nhầm thông tin trên hệ thống, dẫn đến việc trả hồ sơ cho người dân đúng hẹn nhưng bị trễ hạn trên hệ thống dữ liệu.

Ông Phạm Trọng Sĩ, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho biết: Đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo về cải cách hành chính trên địa bàn, chỉ đạo công chức đầu mối theo sát, nhắc nhở các công chức chuyên môn thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục, nhập phần mềm trên hệ thống dữ liệu theo đúng quy định, khắc phục ngay tình trạng trễ hạn trên hệ thống dữ liệu. Bên cạnh đó, xã tăng cường sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo số lượng biên chế được giao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, công chức, đẩy mạnh thực hiện tốt cơ chế một cửa nhằm giảm thời gian giải quyết, tạo sự đồng thuận, tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại xã.

Sau ba năm thực hiện Đề án Chính quyền điện tử, đến nay tỉnh Cà Mau đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các thành phần nền tảng và các ứng dụng của chính quyền điện tử đến các ngành, các cấp tại địa phương. Đặc biệt, những giải pháp căn cơ được tỉnh Cà Mau quyết liệt triển khai đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngay từ các cấp cơ sở.  

Ngoài ra, để góp phần đạt được mục tiêu xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phục vụ nhân dân, cuối quý I năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp. Sự ra đời của Trung tâm là đầu mối liên kết và phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tham mưu cho UBND tỉnh trong các hoạt động tổ chức, tư vấn thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, khởi nghiệp tại địa phương. Việc thành lập Trung tâm sẽ giải quyết nhiều vấn đề lớn mà tỉnh Cà Mau hiện đang vướng mắc và phải quyết tâm cải thiện trong thời gian tới, trong đó đặc biệt là các vấn đề về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ trong từng dự án cụ thể hiện còn rất bất cập, đồng thời góp phần chuyển từ cơ chế xin - cho sang nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách triệt để, hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Đề án sẽ tạo môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, liên thông, tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Đây cũng là bước đệm để địa phương hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thu hút đầu tư, nhằm khơi dậy và thúc đẩy các tiềm năng hiện có tại Cà Mau.

Bài cuối: Gỡ nút thắt để tăng chỉ số PCI

Huỳnh Anh (TTXVN)
Hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân - Bài 1: Bước chuyển lớn từ chủ trương
Hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân - Bài 1: Bước chuyển lớn từ chủ trương

Được triển khai từ năm 2016, đến nay, Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau đã góp phần hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử trong tỉnh, từ đó, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN