Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 51.271 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.346 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.694 người dân ở khu vực này, tăng 23 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.999 trường hợp.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 5/5
Quốc gia |
Tổng số ca bệnh |
Ca mắc bệnh mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
19,410 |
+632 |
18 |
|
1,519 |
Indonesia |
12,071 |
+484 |
872 |
+8 |
2,197 |
Philippines |
9,684 |
+199 |
637 |
+14 |
1,408 |
Malaysia |
6,383 |
+30 |
106 |
+1 |
4,567 |
Thailand |
2,988 |
+1 |
54 |
|
2,747 |
Việt Nam |
271 |
|
|
|
232 |
Myanmar |
161 |
|
6 |
|
49 |
Brunei |
138 |
|
1 |
|
131 |
Cambodia |
122 |
|
|
|
120 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
20 |
Lào |
19 |
|
|
|
9 |
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày
Ngày 5/5, giới chức y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận 484 ca mắc bệnh cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 12.071 người. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này.
Indonesia cũng ghi nhận 8 ca tử vong do mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 872 người. Đến nay đã có 2.197 bệnh nhân mắc bệnh này ở Indonesia đã hồi phục.
Trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Theo sắc lệnh được ký ban hành ngày 4/5, cuộc bầu cử này sẽ được hoãn tới tháng 12 tới do “thảm họa phi tự nhiên” và sẽ tiếp tục được hoãn nếu đến thời điểm đó dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Trước đó, Chính phủ và Hạ viện Indonesia đã thông qua kế hoạch tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 9/12 thay vì ngày 23/9 theo kế hoạch ban đầu do dịch COVID-19, tuy nhiên theo giám đốc điều hành Hiệp hội bầu cử và dân chủ Indonesia (Perludem) Titi Anggraini, cuộc bầu cử này khó diễn ra vào thời gian trên do tình hình dịch bệnh.
Để diễn ra theo đúng hạn định, cuộc bỏ phiếu này sẽ phải được khởi động sớm nhất vào ngày 9/6, trong khi Chính phủ Indonesia vừa ban hành lệnh cấm người dân về quê nhân lễ xả chay Idul Fitri vào cuối tháng 5.
Bộ trưởng Điều phối Phát triển con người và Các vấn đề văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy cho biết chính phủ nước "rất lạc quan" nhận định rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ kết thúc vào tháng 6 tới.
Thái Lan chuẩn bị các kế hoạch kích cầu du lịch
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục chuyển biến tích cực tại Thái Lan khi nước này ngày 5/5 đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày thấp nhất trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 9/3, với chỉ một trường hợp duy nhất. "Xứ sở chùa vàng" đồng thời không ghi nhận trường hợp tử vong nào vì COVID-19 trong ngày thứ năm liên tiếp.
Đến hết ngày 5/5, Thái Lan có tổng cộng 2.988 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng đã chữa khỏi cho 2.747 bệnh nhân COVID-19, trong khi vẫn còn 187 trường hợp đang được điều tại tại các cơ sở y tế.
Trước đó một ngày, Thái Lan ghi nhận các ca mắc mới ở mức hai con số sau một tuần liên tiếp các ca nhiễm mới theo ngày ở mức dưới 10. Tuy nhiên, 18 ca nhiễm công bố ngày 4/5 được phát hiện trong những người di cư bất hợp pháp đang bị giam giữ tại tỉnh Songkhla ở vùng cực Nam nước này, không phải là lây nhiễm trong cộng đồng.
Liên quan đến 40 ca nghi nhiễm ở tỉnh Yala cũng ở vùng cực Nam của Thái Lan, Bộ Y tế Thái Lan đã tiến hành xét nghiệm lại và kết quả là dương tính giả. Hiện các quan chức Thái Lan đang điều tra điều gì đã xảy ra tại phòng thí nghiệm tỉnh Yala.
Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) đang chuẩn bị khởi động chiến dịch có tên gọi “Chúng tôi yêu Thái Lan” (We Love Thailand) để kích cầu du lịch nội địa trong trường hợp nước này kiểm soát được dịch COVID-19.
Bộ Y tế Singapore ngày 5/5 cũng xác nhận 632 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.410 người. Singapore chính là nước ghi nhận nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhất khu vực ASEAn trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử tới nay mới có tổng cộng 18 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Singapore sẽ cho phép các doanh nghiệp từng bước nối lại các hoạt động kinh doanh kể từ ngày 12/5 trong khi vẫn duy trì lệnh phong tỏa một phần cho tới ngày 1/6 nhằm chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/5, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing cho hay: "Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp khác nhau triển khai các biệ pháp khác nhau và họ hiện giờ sẽ bắt đầu chuẩn bị… Sớm nhất là vào ngày 12/5, họ có thể khôi phục hoạt động".
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines trong ngày thông báo 14 ca tử vong do COVID-19 và 199 ca mắc COVID-19. Trong vòng 1 ngày qua, Philippines là nước có số ca tử vong vì đại dịch nhiều nhất Đông Nam Á.
Hiện tổng số ca tử vong tại Philippines do dịch bệnh nguy hiểm này đã lên tới 637 ca, trong khi số ca nhiễm là 9.684 ca. Ngoài ra, đã có thêm 93 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 1.408 người.
Trong ngày 5/5, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có 30 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 6.383 người trong bối cảnh Malaysia bước sang ngày thứ 2 nới lỏng những hạn chế về đi lại và kinh doanh. Tuy nhiên, Malaysia cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên 106 người.
Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát mạnh ở một công trường xây dựng tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cuối tuần qua, chính phủ nước này đã yêu cầu tất cả lao động nước ngoài làm việc tại đây phải tiến hành kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm y tế nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Dù nhiều ngày liên tiếp Campuchia không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào, song ngày 5/5, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo làn sóng thứ hai bùng phát dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ xảy ra tại Campuchia dù nước này đã ứng phó tốt với làn sóng thứ nhất.
Phát biểu với báo giới ngày 5/5, Tiến sỹ Li Ailan, đại diện WHO tại Campuchia, nêu rõ dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn còn kéo dài trên toàn cầu. Nếu dịch bệnh bùng phát ở các nơi khác trên thế giới, không nước nào là an toàn và vì vậy, mọi người dân nên cùng nhau quản lý rủi ro.
Hiện Campuchia có tổng cộng 122 ca bệnh COVID-19, không có ca tử vong nào và 120 bệnh nhân đã hồi phục.
Ngày 5/5, các nước thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Brunei, Lào và Timor Leste không ghi nhận bất kỳ ca bệnh mới hay tử vong nào liên quan tới dịch COVID-19.