Dịch COVID-19 hiện đã lây lan sang 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân hồi phục hiện nay là 1.211.216 người.
Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với 1.215.457 ca nhiễm và 70.129 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 250.561 ca nhiễm và 25.613 ca tử vong, Italy với 211.938 ca nhiễm và 29.079 ca tử vong. Anh có trên 32.000 ca tử vong, Pháp có 25.201 ca tử vong và Đức có 6.993 ca tử vong. Như vậy, số ca tử vong tại Anh hiện cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tại châu Âu, Hungary đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do COVID-19. Kể từ ngày 4/5, các doanh nhân từ 6 quốc gia gồm CH Séc, Ba Lan, Hàn Quốc, Đức, Áo và Slovakia được phép nhập cảnh vào nước này với mục đích kinh doanh.
Cùng ngày, Slovakia thông báo nước này sẽ đẩy nhanh tiến trình nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để phục hồi nền kinh tế. Tương tự, Phần Lan cũng có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 từ ngày 1/6, cho phép các nhà hàng và dịch vụ công cộng như thư viện, nhà hát và phòng tập thể thao dần mở cửa trở lại.
Chính phủ Phần Lan cũng cho biết sẽ nới lỏng lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, theo đó chỉ cấm các sự kiện có trên 50 người tham gia thay vì 10 người như trước đây. Các hoạt động đi lại thiết yếu, như đi công tác, tới các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen ở châu Âu sẽ được cho phép từ ngày 14/5.
Tại Áo, các trường học đã bắt đầu mở cửa trở lại sau 7 tuần đóng cửa do dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober khẳng định dịch bệnh đã được kiểm soát, khi số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm từ mức tăng 50% vào giữa tháng 3 xuống còn 0,2%.
Trong khi đó, chính quyền Bulgaria thông báo sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa các trường học cho đến tháng 9 tới để phòng ngừa sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tại Pháp, Thượng viện nước này đã bác bỏ kế hoạch của chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa do COVID-19. Theo đó, các Thượng nghị sĩ Pháp đã đề nghị chính phủ xem xét lại nhiều biện pháp đang gây tranh cãi trong dư luận, trong đó có việc đảm bảo an toàn khi mở cửa lại trường học, dự kiến sau ngày 11/5 đối với nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học, sau ngày 18/5 đối với trung học cơ sở và sau ngày 2/6 đối với trung học phổ thông.
Tại Nga, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi tính đến trưa 5/5, nước này đã ghi nhận 10.102 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 155.370 ca. Trong 24 giờ qua, LB Nga cũng ghi nhận thêm 95 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 1.451 ca.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo nước này sẽ nới lỏng các hạn chế về đi lại đối với những người trên 65 tuổi và dưới 20 tuổi.
Tại châu Á, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h00 ngày 5/5 (giờ địa phương), tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc là 10.804 người, trong đó bao gồm 3 ca mới được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh. Số ca tử vong là 254 người, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp nước này có số ca mới mắc COVID-19 ở mức dưới 10 người.
Bộ Y tế Singapore cùng ngày xác nhận thêm 632 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.410 người, tiếp tục cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 14 ca tử vong do COVID-19 và 199 ca mắc mới. Hiện số ca tử vong tại Philippines do dịch bệnh nguy hiểm này đã lên tới 637 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 9.684 ca.
Tại Indonesia, giới chức y tế thông báo nước này đã ghi nhận thêm 484 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 12.071 người. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này. Indonesia cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 872 người.
Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 30 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong lên lần lượt là 6.383 ca và 106 ca.
Tại Thái Lan, tình hình dịch bệnh tiếp tục chuyển biến tích cực khi trong ngày 5/5, nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày thấp nhất trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 9/3, với chỉ một trường hợp duy nhất. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đồng thời không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào vì COVID-19 trong ngày thứ năm liên tiếp. Đến nay, Thái Lan có tổng cộng 2.988 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong.
Còn Tại Iran, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 1.323 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 99.970 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 63 ca lên 6.340 ca. Theo Bộ Y tế Iran, mặc dù là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Trung Đông, song những ngày qua, số ca nhiễm và tử vong tại Iran đã giảm đáng kể.
Tại New Zealand, nước này cho biết tiếp tục không ghi nhận thêm ca mắc bệnh COVID trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này không ghi nhận ca mắc mới.