Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.257.834 ca, trong đó có 373.668 người thiệt mạng.
Số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục xu thế hạ dần trên phạm vi toàn cầu, song nguy cơ làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng rõ khi nhiều nước từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.783.940 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.414 và 2.783.9404 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc bệnh mới và 78 quốc gia và vùng lãnh thổ phát sinh ca tử vong. Có năm nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 200 ca là Mỹ, Mexico, Brazil, Ấn Độ và Canada. Số ca mắc bệnh mới trong ngày chủ yếu tập trung tại các nước châu Mỹ và khu vực Mỹ Latinh.
Quốc gia châu Phi Rwanda ngày 31/5 đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19.
Châu Mỹ dịch diễn biến nghiêm trọng
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về hầu hết các chỉ số, như số ca mắc mới và tử vong phát sinh trong ngày. Trong vòng 24 giờ qua, "xứ sở cờ hoa" có 19.703 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 619 người thiệt mạng vì dịch bệnh.
Tính tới sáng 1/6 theo giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận tổng cộng 1.836.523 ca bệnh và 106.176 ca tử vong. New York (89 ca), Massachusetts (78 ca) New Jersey (74 ca) và Illinois (60 ca) là những bang có nhiều người thiệt mạng vì COVID-19 nhất trong ngày.
Hiện nay, hầu hết các tiểu bang tại Mỹ đã mở cửa hoặc nối lại hoạt động kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nguy cơ về một đợt bùng phát dịch mới đang xuất hiện, nhất là trong bối cảnh làn sóng biểu tình bạo lực bùng nổ tại nhiều bang để phản đối vụ việc cảnh sát da trắng bắt và ghì đầu khiến một công dân da màu thiệt mạng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.
Mexico là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên thành 87.512 người, trong đó có 9.779 ca tử vong, tăng tương ứng 2.885 ca bệnh và 364 ca tử vong.
Hiện tại, hệ thống đèn báo hiệu trên bản đồ COVID-19 tại 30/32 bang của Mexico vẫn ở mức đỏ, có nghĩa dịch bệnh vẫn dang lây lan mạnh và chưa được kiểm soát.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại tình trạng bình thường mới. Trong khi đó, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã lên kế hoạch tái khởi động lại các chuyến công du trong nước bắt đầu từ ngày 1/6.
Cơ quan chức năng cho biết dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan ở Mexico và dự báo số ca tử vong do COVID-19 lên 30.000 người. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiến hành 270.992 ca xét nghiệm.
Bên cạnh đó, tình hình đại dịch COVID-19 tại khu vực Trung Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo thống kê, số ca nhiễm bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 25.953 trường hợp, trong đó có 673 ca tử vong.
Chính phủ các quốc gia Trung Mỹ này đều lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế vào tháng 6 tới.
Ở châu Âu, dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt, xét về cả số ca mắc mới và ca tử vong trong ngày.
Tại Nga, tính đến hết ngày 31/5, nước này đã ghi nhận thêm 9.268 trường hợp mới nhiễm COVID-19 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số nhiễm virus corona chủng mới mới lên 405.843 người (tăng 2,3%). 3.784 (40,8%) ca nhiễm mới không có biểu hiện lâm sàng.
Trong 1 ngày qua, tại LB Nga có thêm 4.414 người hồi phục, nâng tổng số ngưởi khỏi bệnh lên 171.883 người, và có thêm 138 ca tử vong , nâng tổng số người tử vong lên con số 4.693 trường hợp.
Moskva vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất với 2.595 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân tại thủ đô nước Nga lên 180.791 người. Moskva cũng có thêm 1.855 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 80.179 trường hợp, và 69 ca hợp tử vong, nâng tổng số tử vong lên 2.477 người.
Các địa phương khác ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 trong 1 ngày qua gồm tỉnh Moskva – 757 trường hợp; thành phố St. Petersburg – 369 trường hợp; tỉnh Nizhny Novgorod – 301; tỉnh Sverdlovsk – 265; tỉnh Rostov– 178.
Cùng ngày, Cơ quan đăng ký dược phẩm nhà nước Nga cho biết loại thuốc đầu tiên ở nước này chống virus SARS-CoV-2 – có tên gọi Avifavir do Quĩ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và công ty “Trung tâm công nghệ cao ChemRar” hợp tác sản xuất đã được Bộ Y tế LB Nga cấp phép.
Cùng ngày, Bộ Y tế Belarus thông báo nước này ghi nhận tổng cộng 41.658 trường hợp dương tính với COVID-19, tăng 894 trường hợp so với 1 ngày trước đó. 17.964 bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện, tăng thêm 574 người trong 24 giờ qua và có thêm 5 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số tử vong do COVID-19 lên 229 bệnh nhân.
Belarus nằm trong danh sách 5 quốc gia châu Âu ghi nhận tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất trong vòng 14 ngày qua, đồng thời nước này cũng nằm trong danh sách 10 nước có tỷ lệ số ca dương tính với COVID-19 trên một triệu dân cao nhất.
Theo cập nhật của Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine, tính đến hết ngày 31/5, nước này ghi nhận thêm 468 trường hợp mới dương tính với virus SARS-CoV-2 , nâng tổng số người nhiễm chủng virus corona mới ở nước này lên 23.672 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua có thêm 12 ca tử vong, chủ yếu là ở tỉnh Chernivtsi (3 trường hợp), cũng như ở các tỉnh Kharkiv và Ivano-Frankivsk (mỗi tỉnh 2 trường hợp), nâng tổng số người tử vong do COVID-19 lên 798 người. Cùng với đó có thêm 227 người hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 9.538 người.
Hầu hết các ca mới nhiễm COVID-19 trong 1 ngày qua được phát hiện tại thủ đô Kiev – 81 ca; tỉnh Lviv – 50 ca; tỉnh Chernivtsi – 43; tỉnh Kharkiv – 41; tỉnh Zhytomyr - 40. Hai tỉnh có đông người Việt sinh sống là Kharkiv và Odessa lần lượt ghi nhận 1.066 và 888 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch châu Âu mới đây Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy, trong ngày 31/5, nước này ghi nhận thêm 355 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 233.019 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 33.415 trường hợp (tăng 75 ca).
Trong vòng 24 giờ qua có thêm 1.874 ca mắc COVID-19 hồi phục, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 157.507 trường hợp. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 15 ca xuống còn 435 trường hợp. Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 6.387 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại là 42.075 người.
Chỉ dẫn trong sắc lệnh của Chính phủ Italy công bố ngày 30/5/2020 cho biết từ ngày 3/6, công dân thuộc các nước Schengen và Anh tới Italy sẽ không bắt buộc phải cách ly 14 ngày; quy định cũng áp dụng với công dân các nước châu Âu ngoài Schengen kể từ ngày 15/6.
Tình hình dịch bệnh tại châu Á cũng có nhiều diễn biến đáng lo ngại trong ngày 31/5.
Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận mức kỷ lục hơn 8.782 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 190.609 người, trong đó có 5.408 trường hợp tử vong.
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa sâu rộng và chưa từng có tiền lệ trên quy mô toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ ngày 25/3. Khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này chỉ là 600 trường hợp với 12 người tử vong.
Các biện pháp hạn chế sau đó đã từng bước được nới lỏng và đến hôm 30/5, Bộ An ninh Nội địa Ấn Độ đã công bố hướng dẫn sửa đổi về việc gia hạn lệnh phong tỏa nhưng chủ yếu tại "các vùng ngăn chặn" dịch bệnh cho đến ngày 30/6, đồng thời cho phép tất cả các hoạt động kinh tế được nối lại theo từng giai đoạn bên ngoài những khu vực trên.
Như vậy, trong thời gian tới, nhà chức trách Ấn Độ sẽ tập trung công tác phòng, chống COVID-19 tại các thành phố lớn như Mumbai, Delhi, Kolkata, Chennai, Ahmedabad, Hyderabad… vốn chiếm 70% tổng số ca nhiễm trên cả nước.
Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 31/5 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này tăng thêm 27 ca lên 11.468 ca, trong khi tổng số ca tử vong thêm 1 ca lên 270 ca. Hàn Quốc có thêm 7 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số bệnh nhân được chữa khỏi lên 10.405 người.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày" bắt đầu từ 6/5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Hàn Quốc.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục không có thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và cũng không có ca tử vong nào trong ngày 30/5. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục có thêm 2 ca nhiễm nhập cảnh, đều ở tỉnh Sơn Đông (Shandong), nâng tổng số ca nhiễm nhập cảnh lên 1.740 ca.
Trong khi đó, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có 1.082 ca mắc COVID-19 trong đó có 4 ca tử vong, Đặc khu hành chính Macao (Trung Quốc) ghi nhận 45 ca mắc bệnh trong khi vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có 442 ca mắc trong đó có 7 ca tử vong. Tổng cộng có 1.036 bệnh nhân ở Hong Kong, 45 bệnh nhân ở Macao và 421 bệnh nhân ở Đài Loan đã được xuất viện sau khi phục hồi.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính 23 giờ 59 phút ngày 31/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.141 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 2.773 người.
Trong 24 giờ qua, khu vực vẫn chỉ có Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia và Philippines vẫn là những nơi dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.773 người dân ở khu vực này, tăng 47 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 91.204 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 96.165 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca tử vong. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.613 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á. Trong ngày 31/5, quốc gia này ghi nhận tới 40 người tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 1.613 trường hợp, nhiều nhất khu vực.
Bộ Y tế Indonesia ngày 31/5 thông báo đã phát hiện 700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 26.473 trường hợp. Bên cạnh đó, 7.308 trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và phục hồi.
Trong 24 giờ qua, Philippines là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận nhiều ca COVID-19 nhất.
Ngày 31/5, Bộ Y tế Philippines (DOH) đã xác nhận 862 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Đông Nam Á này lên thành 18.086 người, trong đó có 957 trường hợp tử vong (tăng 7 ca so với 1 ngày trước đó).
Trong ngày 31/5, các nước ASEAN khác như Brunei, Campuchia, Việt Nam, Myanmar hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thông báo tính đến sáng 31/5, châu lục này ghi nhận thêm 5.243 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tổng số ca dương tính với virus nguy hiểm này tại châu Phi hiện lên tới 141.535 người, trong đó có 4.069 ca tử vong.
Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan tại 54 nước châu Phi. Africa CDC chỉ rõ Bắc Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch về cả số ca nhiễm virus và số ca tử vong. Rwanda cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh COVID-19.
Bộ Y tế Rwanda ngày 31/5 thông báo quốc gia Đông Phi này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bệnh nhân tử vong là một lái xe, 65 tuổi, đã hồi hương từ một nước láng giềng. Sau đó, người này đã đổ bệnh và bị ốm nặng.
Hôm 14/3, Bộ Y tế Rwanda thông báo về trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Đông Phi này. Tuy nhiên, từ đó đến nay những thông tin liên quan đến tình hình dịch COVID-19 ở nước này được công bố tương đối hạn chế trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, cũng như năng lực điều trị y tế của Rwanda không được giới chuyên gia khu vực và quốc tế đánh giá cao.