Dịch COVID-19: Indonesia hạn chế người dân từ thành phố về nông thôn 

Chính phủ Indonesia đang cân nhắc kế hoạch cấm hàng triệu tín đồ Hồi giáo đang làm ăn sinh sống tại các thành phố lớn trong nước trở về quê trong dịp lễ xả chay Idul Fitri. Kế hoạch này nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tràn từ thành phố về các vùng quê.     

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta ngày 27/3, năm nay, Idul Fitri - ngày lễ lớn của người Hồi giáo ngay sau khi kết thúc tháng nhịn ăn Ramadan - dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày 24-25/5 tới với khoảng 20 triệu người từ khu vực thành thị về các vùng nông thôn của “xứ vạn đảo”. 

Chú thích ảnh
Nhân viên phun thuốc khử trùng trên tàu hỏa ở Bandung, Tây Java, Indonesia ngày 15/3/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Điều phối hàng hải và đầu tư Jodi Mahardi cho biết bộ này đã thảo luận với các bên liên quan và giải pháp cấm này đang được chính phủ “cân nhắc nghiêm túc” trong bối cảnh dịch bệnh lây lan. Ba kịch bản đã được trình lên Tổng thống Joko Widodo, trong đó có việc cấm hoặc hạn chế quy mô của cuộc “đại di cư” thường niên này thông qua việc cắt giảm các dịch vụ hỗ trợ, miễn phí di chuyển. Theo đó, Tổng cục Vận tải hàng không thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ cắt giảm tới 50% số vé các chuyến bay, đồng thời hạn chế các phương tiện giao thông từ vùng Đại Jakarta, vốn đang là “tâm dịch” COVID-19 tại Indonesia, tới các tỉnh Trung Java và Đông Java.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã hủy bỏ tất cả các chương trình hỗ trợ xe buýt miễn phí từ vùng Đại Jakarta tới 37 địa điểm trên khắp cả nước trong mùa Idul Fitri năm nay sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19. Công ty Đường sắt nhà nước KAI thông báo sẽ giảm số chuyến tàu hằng ngày từ 532 xuống còn 429 chuyến từ ngày 2/4 tới. Cảnh sát Quốc gia và quân đội cũng sẽ triển khai lực lượng để giám sát lệnh hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, việc một số thành phố, trong đó có thủ đô Jakarta, mới đây ra lệnh tạm đóng cửa các văn phòng, trường học và địa điểm công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã đẩy một lượng lớn người lao động từ thành phố về quê, tạo ra hiện tượng “làn sóng di dân sớm”. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải dự báo rằng, nếu không bị hạn chế, hàng triệu người dân thành phố cũng sẽ tràn về quê bằng các phương tiện cá nhân nhằm tránh bị nhiễm bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, với xu hướng hiện nay, đỉnh điểm của cuộc di cư này sẽ xảy ra vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư tới do một lượng lớn người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức bị mất việc. Do vậy, chính phủ cần công bố lệnh cấm bằng cách áp dụng Luật Kiểm dịch y tế trong thời gian sớm nhất.

Cùng ngày, Hạ viện Indonesia cho biết ít nhất 15.000 sinh viên y khoa trên toàn quốc đã sẵn sàng tham gia chiến dịch phòng chống dịch COVID-19. Theo báo cáo của Nhóm Phản ứng nhanh COVID-19 của Chính phủ Indonesia, số sinh viên nói trên thuộc 158 trường đại học y dược đã đăng ký trợ giúp cho đội ngũ 1.500 bác sĩ và 2.500 y tá đang ở tuyến đầu. Ông Syaiful Huda, Chủ tịch Ủy ban 10 thuộc Hạ viện Indonesia (giám sát lĩnh vực giáo dục), nhấn mạnh rằng đây là một tin tốt lành do nhiều nơi dự báo thiếu trầm trọng nhân viên y tế trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Indonesia, ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh rút một số thành viên gia đình nhân viên ngoại giao của mình tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Trong thông báo, Đại sứ quán Mỹ cho biết các thành viên gia đình dưới 21 tuổi thuộc Đại sứ quán, Phái đoàn Mỹ tại ASEAN, Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán Mỹ đã được yêu cầu rời khỏi Indonesia. Thông báo cho hay bộ ra quyết định trên dựa trên tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Indonesia, năng lực y tế hiện tại và số lượng các chuyến bay xuất phát từ quốc gia này. Trong khi đó, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán sẽ chỉ mở cửa các bộ phận quan trọng, trong đó có các dịch vụ dành cho công dân Mỹ.  Mỹ cũng đưa ra Cảnh báo Y tế toàn cầu cấp độ 4 đối với Indonesia, theo đó các công dân nước này được khuyến cáo về nước ngay lập tức, trừ phi đã chuẩn bị ở lại Indonesia trong một thời gian dài. 

Trong ngày 27/3, Indonesia đã ghi nhận thêm 153 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng cao kỷ lục về số người nhiễm mới trong vòng một ngày ở quốc đảo này, qua đó nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 1.046 trường hợp. Indonesia cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong mới do COVID-19, đưa tổng số trường hợp tử vong ở nước này lên con số 87, cao nhất ở Đông Nam Á.

Phương Oanh (TTXVN)
Indonesia mở thêm nhiều bệnh viện dã chiến
Indonesia mở thêm nhiều bệnh viện dã chiến

Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) đang lên kế hoạch chuyển đổi các công trình hiện có thành bệnh viện dã chiến để chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN