Gian nan cuộc chiến chống COVID-19 tại Indonesia

Với các ca lây nhiễm và tử vong gia tăng mỗi ngày, Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành “điểm đen” dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khu vực.

Chú thích ảnh
Nhân viên phun thuốc khử trùng tại địa điểm công cộng ở Jakarta, Indonesia ngày 19/3/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng chậm chạp, tâm lý chủ quan của chính quyền và người dân, cộng với hệ thống y tế yếu kém có thể sẽ khiến quốc gia đông dân thứ tư thế giới này phải trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng.

Theo số liệu công bố chính thức, tính đến tối 24/3, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 686 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại 22/34 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước. Trong đó, với 55 người thiệt mạng, quốc gia này đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng cũng như tỷ lệ tử vong (hơn 8,4%). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và có vẻ như điều tệ hại nhất đối với quốc gia đông dân thứ tư thế giới này sẽ dần lộ diện trong những tuần tới. 

Một số ý kiến cho rằng con số người mắc bệnh COVID-19 nói trên có khả năng thấp hơn nhiều so với thực tế do quy mô xét nghiệm hạn chế. Tính đến ngày 20/3, Indonesia mới chỉ tiến hành 1.898 xét nghiệm COVID-19, tương đương với khoảng 7 xét nghiệm trên 1 triệu dân, so với mức hơn 5.000 ở Hàn Quốc và hơn 2.000 tại Italy. Thậm chí, Campuchia - quốc gia có quy mô dân số bằng 1/16 và quy mô GDP chưa tới 2% GDP của Indonesia - cũng đã có số lượng xét nghiệm gần bằng với nước này. Số lượng cơ sở xét nghiệm cũng chỉ mới được mở rộng từ 1 lên 12 cơ sở cách đây vài ngày. 

Việc thiếu xét nghiệm trên quy mô lớn, cũng như các biện pháp theo dõi và kiểm dịch làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng. Hôm 20/3, người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về vấn đề COVID-19, ông Achmad Yurianto cho biết, ước tính có khoảng 600.000 - 700.000 người dân nước này có nguy cơ bị mắc bệnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Indonesia Jusuf Kalla thừa nhận rằng, số ca mắc bệnh tại nước này có thể cao hơn nhiều so với các số liệu báo cáo do số lượng xét nghiệm thấp. Cựu Phó tổng thống Kalla cũng tin rằng, số liệu thực sẽ được tiết lộ khi các phòng thí nghiệm tăng cường các xét nghiệm và công bố kết quả.

Dư luận cho rằng Indonesia đã bỏ lỡ mất “thời gian vàng” để ngăn chặn dịch bệnh, trong khi các nỗ lực cho đến nay vẫn chưa đủ mạnh và hiệu quả. Trước khi công bố hai trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hôm 2/3 vừa qua, chính quyền và đông đảo người dân Indonesia vẫn nghĩ rằng COVID-19 là chuyện “nhà người ta” với lập luận rằng, cũng giống như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003, chủng mới của virus Corona SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 “không có đất sống” ở xứ nóng này. Do vậy, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực “đảo điên” vì COVID-19, truyền thông nước này còn tự hào khoe những đơn hàng xuất khẩu khẩu trang và trang thiết bị y tế. 

Ngay cả khi đã ý thức được sự nguy hiểm từ cơn “sóng thần” COVID-19 đang dồn dập tấn công hàng loạt quốc gia trên thế giới với hàng trăm nghìn ca mắc bệnh và hàng nghìn người thiệt mạng, cách thức hành động của Indonesia cũng khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Dù có ít nhất 2 tháng để chuẩn bị và học hỏi kinh nghiệm, Indonesia dường như “quên” mất bài học cơ bản trong phòng chống dịch với bốn khâu mấu chốt là phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Nhiều người có các triệu chứng mắc COVID-19 song không được cách ly, xét nghiệm do thiếu trầm trọng thiết bị y tế. Sự thật này được phơi bày khi báo giới cho biết bác sĩ tại một số địa phương không đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ và đến nay đã có gần 30 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, trong đó có 6 bác sĩ tử vong. 

Trong khi đó, việc công bố thông tin về các ca tử vong thường chậm và thậm chí mâu thuẫn, cho thấy thiếu sự phối hợp thông suốt giữa chính quyền trung ương và địa phương, đồng thời khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khả tín của các số liệu báo cáo. Hiện số người được cách ly chỉ dao động từ vài chục tới vài trăm tại các tỉnh thành. Dòng người hồi hương tránh dịch đang ùn ùn kéo về trong khi các dự án chuyển đổi, cải tạo bệnh viện và khu cách ly vẫn đang dở dang. Mặt khác, do bài toán hậu cần, kinh tế và cả những toan tính chính trị, Indonesia tới nay vẫn chưa chọn giải pháp phong tỏa, khiến công tác kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn. 

Tới nay, biện pháp chống dịch có vẻ như “mạnh mẽ nhất” của chính quyền Tổng thống Joko Widodo là kêu gọi người dân học tập, làm việc và cầu nguyện tại nhà; thực hiện “giãn cách xã hội”, tránh tụ tập nơi đông người hay tổ chức các sự kiện nhằm giảm bớt nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Trước đó, Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) - cơ quan Hồi giáo hàng đầu tại quốc gia này - cũng ban hành Fatwa (sắc lệnh tôn giáo) cho phép các tín đồ ở các khu vực dịch bệnh hoành hành, bỏ đi lễ nhà thờ vào thứ Sáu hằng tuần.

Ở cấp độ địa phương, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan hôm 20/3 đã công bố hàng loạt biện pháp như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cấm người dân rời khỏi thủ đô và cắt giảm các phương tiện giao thông công cộng trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19 tràn ra khỏi “tâm dịch” này. 

Tuy nhiên, bất chấp những kêu gọi và các biện pháp hạn chế, các hoạt động tôn giáo đông người vẫn tiếp tục được tổ chức tại nhiều địa phương. Các cửa ô của thủ đô trên 10 triệu dân này vẫn nườm nượp phương tiện ra vào, trong khi hệ thống giao thông công cộng khổng lồ của Jakarta với lưu lượng phục vụ khoảng 2,5 triệu hành khách mỗi ngày trở nên hỗn loạn, kẹt cứng vào giờ cao điểm, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Với việc bắt đầu triển khai xét nghiệm nhanh trên diện rộng trong tuần này, số lượng các ca lây mắc COVID-19 dự kiến sẽ tăng vọt và khiến hệ thống y tế trở nên quá tải. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại quốc gia 270 triệu dân và một địa hình chia cắt với hơn 17.000 hòn đảo này được dự báo sẽ còn cam go hơn nữa khi bước vào tháng lễ Ramadan. Do vậy, Indonesia sẽ phải cần rất nhiều nỗ lực, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế và thực thi các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa trước khi mọi việc trở nên quá muộn.

Hữu Chiến (TTXVN)
Bất chấp COVID-19, đám đông 1.000 người tập trung xem rước đuốc Olympic
Bất chấp COVID-19, đám đông 1.000 người tập trung xem rước đuốc Olympic

Hơn 1.000 người đã tụ tập ngày 24/3 để theo dõi rước đuốc Olympic tại thành phố Fukushima (Nhật Bản). Diễn biến xảy ra trong bối cảnh xuất hiện kêu gọi yêu cầu nhà tổ chức xem xét hoãn tổ chức Olympic giữa thời điểm dịch COVID-19 lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN