Phát biểu trên đài truyền hình DZF, Bộ trưởng Altmaier nêu rõ: "Khi khủng hoảng (COVID-19) qua đi - và chúng tôi hy vọng điều này xảy ra trong vài tháng nữa - chúng ta sẽ trở lại chính sách 'thắt lưng buộc bụng' và chính sách ngân sách cân bằng càng sớm càng tốt".
Theo ông Altamaier, nước Đức đang sử dụng tiền dựa trên những điều kiện thị trường vốn thuận lợi, khi người dân tin tưởng vào Chính phủ. Ông cũng cho biết thêm nền kinh tế số một châu Âu đã thanh toán các khoản nợ từ năm 2023.
Trước đó một ngày, Đức đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (812,25 tỷ USD) nhằm giảm thiểu các tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế. Chính phủ Đức dự đoán đại dịch lần này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Chính phủ Đức đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các công ty trong khủng hoảng và Bộ trưởng Almaier cũng tái khẳng định chính phủ sẵn sàng mua cổ phần của các công ty chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.
Theo Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm ngày 24/3, Đức đã ghi nhận 27.436 ca mắc COVID-19 và 114 ca tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt hơn để ứng phó COVID-19, trong đó có lệnh cấm tụ tập trên hai người nếu không phải người nhà hoặc liên quan tới công việc trong ít nhất 2 tuần tới. Các nhà hàng cũng chỉ được phép phục vụ khách mua đồ mang đi.
Trước đó, bà Merkel đã cảnh báo nước Đức đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II khi bước vào cuộc chiến chống COVID-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thị trường tài chính Thụy Điển Per Bolund cùng ngày nhận định sự xáo trộn trên các thị trường tài chính không ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính và hệ thống ngân hàng của nước này.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp với Hội đồng Bình ổn tài chính Thụy Điển, Bộ trưởng Bolund nêu rõ: "Cho tới nay chúng tôi chưa thấy tình hình khó khăn của các công ty ảnh hưởng tới các ngân hàng hay sự ổn định tài chính. Các ngân hàng vẫn ổn định về mặt tài chính". Tuy nhiên, quan chức này khuyến cáo các ngân hàng và thể chế tín dụng nên hoãn trả lợi tức cho các cổ đông trong tình hình hiện tại.
* Tại Ethiopia, Thủ tướng nước này Abiy Ahmed ngày 24/3 đã hối thúc lãnh đạo các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) xóa nợ và hỗ trợ 150 tỷ USD trong quỹ khẩn cấp nhằm giúp các quốc gia châu Phi đối phó với đại dịch COVID-19.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Ahmed nhấn mạnh đại dịch COVID-19 "đặt ra mối đe dọa sống còn đối với các nền kinh tế của các nước châu Phi". Theo ông, những khoản nợ lớn mà nhiều nước châu Phi đang phải gồng gánh đã khiến những nước này không được trang bị tốt trong việc ứng phó với các cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra, các khoản nợ phải thanh toán vượt quá ngân sách y tế của nhiều nước. Các nền kinh tế châu Phi cũng dễ bị tổn thương khi đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và hoạt động đi lại và du lịch đình trệ. Ông cho biết Ethiopia đang "hợp tác chặt chẽ với các nước châu Phi khác" để đưa ra một đề xuất cứu trợ.
Trong những ngày gần đây, châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tính tới tối 23/3 đã có 1.654 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 được ghi nhận trên khăp 43 nước châu Phi, với 52 ca tử vong. Các chuyên gia cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể nhanh chóng làm chao đảo hệ thống y tế vốn yếu kém của châu Phi.