Hãng thông tấn AP (Mỹ) ngày 30/4 đưa tin nhiều chính khách cho rằng đây là dấu hiệu tốt cho thấy COVID-19 không còn gây biến động quá lớn.
Nhiều bệnh viện dã chiến duy trì ở tình trạng sẵn sàng cho làn sóng lây nhiễm thứ hai, còn một số cơ sở khác sẽ chuyển thành điểm xét nghiệm hoặc trung tâm phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19.
Lãnh đạo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) Simon Stevens cho biết: “Đây sẽ được coi là thành công cho cả nước nếu chúng ta không bao giờ phải sử dụng bệnh viện dã chiến. Nhưng với làn sóng COVID-19 thứ hai, điều quan trọng là chúng ta có những cơ sở phụ trợ sẵn sàng điều trị bệnh nhân”.
Tại Italy và Tây Ban Nha, các bệnh viện dã chiến được coi là địa điểm chiến lược để giảm quá tải tại phòng cấp cứu trong tháng 3 khi dịch COVID-19 bùng nổ. Tây Ban Nha đã xây dựng ít nhất16 bệnh viện dã chiến, từ sức chứa chỉ vài giường bệnh trong lều cho tới 5.000 giường bệnh trong trung tâm hội nghị lớn. Những cơ sở này đã điều trị trên 4.000 bệnh nhân COVID-19, chiếm 10% tổng số người mắc.
Khi đỉnh dịch đi qua và các bệnh viện đã tiếp nhận ổn định số bệnh nhân, một số bệnh viện dã chiến của Tây Ban Nha đã đóng cửa hoặc giảm quy mô. Bệnh viện dã chiến tại Madrid giảm nửa công suất và dự kiến đóng cửa trong 2 tuần tới nếu tỷ lệ nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) giảm. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết các bệnh viện dã chiến đã đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có một số điểm chưa ổn liên quan đến bệnh viện dã chiến. Tại Milan (Italy), bệnh viện dã chiến được cấp chi phí 21 triệu euro đã hoàn thiện chậm và cách quá xa trung tâm thành phố nên không thể hỗ trợ nhiều. Bệnh viện 200 giường này được dựng lên trong vòng 2 tuần tại trung tâm hội nghị ở ngoại ô Milan và đi vào hoạt động từ 31/3. Tuy nhiên, ở thời điểm này, áp lực với phòng chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện Milan đã giảm, nên bệnh viện dã chiến này chỉ mới điều trị vài chục bệnh nhân.
Ở Berlin (Đức), quá trình thi công bệnh viện dã chiến 1.000 giường có tên Trung tâm Corona vẫn diễn ra dù các bệnh viện tại Berlin không quá tải. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của công trình vốn đã tốn 90 triệu euro để thi công này.
Tại Mỹ, trung tâm hội nghị chuyển thành bệnh viện dã chiến tại các thành phố Mỹ cũng hầu như không được sử dụng tối đa. Tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ ở Manhattan cũng sắp rời đi.
Tại New York, nơi COVID-19 tấn công nặng nề nhất Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo đã bảo vệ quyết định đẩy mạnh thiết lập các bệnh viện dã chiến mà đến nay hầu như không được sử dụng.
Vào giữa tháng 3, ông Cuomo đề nghị quân đội Mỹ hỗ trợ xây thêm 4 bệnh viện dã chiến và cử tàu bệnh viện đến Manhattan. Cùng thời điểm này, các bệnh viện đã cho bệnh nhân xuất viện để giảm tải giường bệnh. Mới chỉ có một bệnh viện dã chiến được mở ở trung tâm hội nghị Jacob K. Javits tại New York. Đến 1/5, cơ sở này sẽ đóng cửa sau khi điều trị trên 1.000 bệnh nhân. Ba bệnh viện dã chiến khác mà Thống đốc Cuomo yêu cầu đã được hoàn thiện và dự kiến dành cho mục đích sử dụng khác trong tương lai.
Dưới đây là video về bệnh viện dã chiến tại New York (nguồn: VOA):
Bệnh viện dã chiến 500 giường, tốn 64 triệu USD xây dựng, mở từ ngày 3/4 tại Chicago tính đến tuần trước mới điều trị 12 bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến khác tại Detroit, bang Michigan với 1.000 giường tính đến 28/4 cũng mới điều trị khoảng 30 chục người. Thị trưởng Detroit, ông Mike Duggan cho biết sẽ sớm đóng cửa cơ sở này.
Philadelphia cũng lên kế hoạch đóng cửa bệnh viện dã chiến 200 giường trong 2 tuần tới. Kể từ khi đi vào hoạt động từ 20/4, bệnh viện này chưa bao giờ có hơn 6 bệnh nhân trong cùng một thời điểm.