Theo đó, hơn 10 nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cùng với một nhóm nhỏ các tỉ phú, lãnh đạo một số siêu tập đoàn cho biết họ đã tìm ra câu trả lời cho dịch COVID-19 và sẽ dùng kênh cửa sau để chuyển kế hoạch ứng phó cho Nhà Trắng.
Nhóm này do Tom Cahill - 33 tuổi từng là bác sĩ nhưng đã chuyển sang làm kinh doanh - đứng đầu. Cahill hầu như là cái tên chẳng mấy ai biết đến. Anh sống trong căn hộ một phòng ngủ đi thuê gần công viên Fenway ở Boston. Cahill chỉ có một bộ complet, nhưng lại có các mối quan hệ nặng ký đủ sức gây ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc chiến chống COVID-19.
Những nhà khoa học cùng số tỉ phú đứng sau hậu thuẫn mô tả công việc của họ với với cái tên “Dự án Manhattan hậu phong tỏa”, như là một sự mô phỏng gợi nhớ đến nhóm các nhà khoa học thời Chiến tranh Thế giới thứ hai từng giúp phát triển bom nguyên tử. Nhưng lần này, các nhà khoa học sử dụng bộ óc của mình và tiền tài trợ để chắt lọc những ý tưởng phi truyền thống được thu thập từ khắp nơi trên thế giới.
Họ tự gọi mình là “Những nhà Khoa học chặn COVID-19”. Thành phần gồm có một số chuyên gia sinh hóa, một chuyên gia về miễn dịch, một chuyên gia về sinh học thần kinh, một chuyên gia ung thư học, một chuyên gia về tiêu hóa, một chuyên gia dịch tễ và một chuyên gia hạt nhân. Đứng ở vị trí trung tâm là chuyên gia sinh học Michael Rosbash, người đã giành giải Nobel năm 2017. Nhưng chính ông Rosbash cũng phải nói rằng “trong nhóm tôi là người trình độ kém nhất, đó là điều không cần bàn cãi”.
Nhóm này, với công việc chưa từng được công bố trước đó, đóng vai trò như là gạch nối giữa các công ty dược đang tìm kiếm kết nối có uy tín với những nhà hoạch định chính sách trong chính quyền Trump. Các thành viên trong nhóm làm việc từ xa, như là một ban giám sát tức thời đối với dòng nghiên cứu về COVID-19, loại bỏ những nghiên cứu lỗi trước khi chúng đến được tay giới hoạch định chính sách.
Nhóm đã soạn thảo một báo cáo mật dài 17 trang, kêu gọi áp dụng nhiều biện pháp phi truyền thống để chống virus SARS-CoV-2. Một trong những ý tưởng lớn nhất chính là việc điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng các loại thuốc trước đó đã được dùng trị bệnh Ebola, nhưng với liều dùng cao hơn. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã áp dụng nhiều đề xuất cụ thể mà nhóm đưa ra, đơn cử như việc bãi bỏ các quy định về sản xuất và những yêu cầu đặc biệt đối với thuốc đặc trị COVID-19. Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia (NDA) trong tháng này cho biết ông đồng ý với phần lớn những đề xuất trong báo cáo mật của nhóm chuyên gia. Tài liệu này cũng đã đươc phổ biến tới thành viên nội các và Phó Tổng thống Mike Pence – người đứng đầu Nhóm đặc trách chống dịch COVID-19 của Mỹ.
Tài sản chủ chốt của Cahill là những kết nối trọn đời thời trẻ có được khi làm việc trong công ty đầu tư. Trong số này có quan hệ với một số tỉ phú như Peter Thiel, Jim Palotta và Michael Milken - những người hoạt động trong ngành tài chính và giúp Cahill có được tính chính danh trong kết nối với giới chức chính quyền giữa thời điểm khủng hoảng dịch bệnh. Ông Cahill và nhóm nghiên cứu thường xuyên tư vấn cho Nick Ayers, phụ tá lâu năm của ông Pence cũng như những người đứng đầu FDA trong các cuộc điện đàm hồi tháng 3 vừa qua.
“Chúng tôi có thể thất bại. Nhưng nếu thành công, nó có thể thay đổi cả thế giới”, Stuart Schreiber, chuyên gia hóa học tại Đại học Harvard và là thành viên trong nhóm dự án chia sẻ. Steve Pagliuca, đồng chủ sở hữu tập đoàn Boston Celtics, đồng chủ tịch Quỹ Bain Capital, cũng là một nhà đầu tư của Cahill, đảm nhận việc in sao dự thảo các báo cáo đã được chỉnh sửa, sau đó chuyển một bản tới Giám đốc điều hành tập đoàn Goldman Sachs David Solomon và ông Solomon sau đó sẽ chuyển tới Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Các thành viên trong dự án cho biết, họ nhận thấy nhiều ý tưởng của Nhóm có lẽ đã không được áp dụng, thậm chí có thể bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phớt lờ. Có thể kiểm nghiệm điều này thông qua các cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học, giới doanh nhân, quan chức chính phủ cũng như nhiều tài liệu liên quan khác.
Ý tưởng bột phát
Hai năm trước đây, Cahill làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Duke, theo đuổi đề tài về các bệnh gien hiếm và chỉ mặc mỗi chiếc quần âu trị giá chưa đến 20 USD bán tại siêu thị Costco. Ông vẫn nghĩ bản thân sẽ tiếp tục theo đuổi chuyên môn sau khi kết thúc khóa học. Nhưng mọi thứ thay đổi, Cahill nối lại quan hệ với một cầu bạn cũ và người này giới thiệu Cahill làm việc cho công ty của ông bố, tập đoàn đầu tư Raptor Group. Cahill là người nghiện đầu tư. Ông thấy rằng bản thân có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn nếu xác định được những nhà khoa học tiềm năng và giúp đỡ họ xử lý những vấn đề vướng mắc cả về mặt khoa học và tài chính so với tự mình nghiên cứu.
Sau khi thôi việc tại Raptor, Cahill tự đứng ra thành lập Quỹ đầu Tư Newpath Partners, với số vốn 125 triệu USD được huy động từ một nhóm nhỏ các nhà đầu tư giàu có, trong số này có cả ông trùm đầu tư vào thung lũng Silicon Thiel và một số nhà sáng lập quỹ đầu tư tư nhân như ông Pagliuca. Tất cả đều bị cuốn hút bởi cách tiếp cận thẳng thắn của Cahill, cũng như niềm đam mê của Cahill trong xử lý những bệnh dịch chưa có thuốc cứu chữa.
Đầu tháng 3, khi số người tử vong vì COVID-19 tăng vọt, bác sĩ Cahill cảm thấy bị kích thích và cũng hơi thất vọng với tiến độ nghiên cứu về chủng virus chết người này. “Khoa học và Y khoa phải là những nhân tố đi đầu dù bất luận điều gì xảy ra”, ông chia sẻ. Các nhà đầu tư đặt nhiều câu hỏi về virus SARS-CoV-2 và Cahill đứng ra tổ chức một cuộc hội thoại trực tuyến để chia sẻ một số ý tưởng khác biệt về cách thức đẩy nhanh phát triển thuốc điều trị.
Ông hy vọng có khoảng 20 người tham dự. Nhưng đến khi bốc và nhập mã, hệ thống không chấp nhận, vì cuộc gặp đã kín chỗ đăng ký. Sau đó, một số điện thoại từ New York gọi vào máy của Cahill. Người này chính là Adams Silver của Hiệp hội bóng rổ Quốc gia. Ông Silver cũng muốn được cung cấp mã để tham dự cuộc gặp. Bác sĩ Cahill sau đó báo cáo riêng với Silver.
Hàng trăm người dự hội thảo truyền hình, trong số này đa phần là những người mà Cahill chưa từng gặp mặt, kể cả tỉ phú Milken. Sau một lần thử nhập mã thành công, Cahill hít thở sâu và tuyên bố ông đang hợp tác với bạn bè chọn lọc ra các phương pháp điều trị COVID-19, tìm ra phương pháp trị bệnh hứa hẹn nhất. Ông cũng chia sẻ đã dừng phần lớn công việc đầu tư của mình để tập trung thời gian, nỗ lực cho việc tìm kiếm thuốc trị bệnh.
Kết thúc buổi hội thoại trực tuyến, Cahill kiểm tra thư điện tử và nhận thấy cả núi những ý tưởng và để xuất được giúp đỡ được gửi vào hòm thư cá nhân, trong số đó có cả đề nghị từ đội của ông Milken. Ông cũng nhận được một số nhận xét từ giới cố vấn cho Phó Tổng thống Mike Pence, những người cũng dự cuộc họp. “Trong 50 năm làm việc có liên quan đến nghiên cứu y khoa, tôi chưa bao giờ nhận thấy mức độ hợp tác lớn như hiện nay”, ông Milken bày tỏ. Nhà đầu tư xuất thân từ khoa học đã có một nền tảng vững chắc. Giờ tất cả những gì Cahill cần là một bản kế hoạch.
Truy tìm kênh tiếp xúc
Một trong những người mà Cahill gọi đến đầu tiên là Schreiber, một nhà sáng lập tại nhiều công ty tư nhân. Ông Schreiber có một người bạn lâu năm là Edward Scolnick, nguyên trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển tại tập đoàn dược phẩm tên tuổi Merck & Co., người từng có đóng góp giúp hãng này phát triển được 28 thuốc và vắc-xin điều trị. Khi được hỏi, Scolnick đưa ra câu trả lời khô khốc: Dưới điều kiện bình thường, cần tới 18 tháng mới có thể thương mại hóa, đưa ra thị trường, đó đã là điều cực kỳ may mắn. Schreiber vặn lại, “liệu 6 tháng có được không?”.
Nhóm nghiên cứu lọc ra một danh sách gồm hơn 20 công ty có thể được hưởng lợi từ những khuyến nghị của Nhóm, cam kết sẽ bán cổ phiếu cho họ tức thời. Một thành viên từ buổi sáng lập không đồng ý và được mời ra khỏi nhóm. Lúc đầu, công việc chính của Nhóm là sàng lọc hàng trăm nghiên cứu khoa học về khủng hoảng COVID-19 trên toàn thế giới. Họ sẽ tách các ý tưởng có tiềm năng và ý tưởng tồi. Mỗi thành viên trong một ngày sẽ phải duyệt khoảng 20 báo cáo, tốc độ gấp 10 lần so với cường độ làm việc thông thường. Các nhà khoa học kết nối với nhau qua hội thảo trực tuyến, tin nhắn, điện thoại…
Các cuộc thảo luận không hẳn lúc nào cũng chỉ liên quan đến khoa học thuần túy. Đơn cử đã có lần Nhóm tiến hành bàn thảo xem có nên kêu gọi giới chức y tế thay tên virus “SARS-2” hay không, sau khi xuấ hiện virus động vật có nguồn gốc từ Trung Quốc năm 2003. Với những nhà khoa học, cái tên “SARS-2” nghe ghê rợn và có thể khiến nhiều người phải đeo khẩu trang. Sau cùng, Nhóm bỏ qua vấn đề này.
Các thành viên cũng đồng thuận không để chính trị len vào nghiên cứu khoa học – một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh 2020 là năm ồn ào, sôi động vì dính đến kì bầu cử. Hydroxychloroquine, thuốc trị sốt rét từng được Tổng thống Trump cho là có có công hiệu trị bệnh, đã không được nhóm chọn lựa, sau khi chuyên gia Ben Cravatt của Viện nghiên cứu Scripps Research ở La Jolla, California khẳng định rằng điều này là không khả thi. Báo cáo mật 17 trang chỉ có một dòng đề cập đến loại thuốc này.
Nhóm cũng bác bỏ ý tưởng sử dụng xét nghiệm kháng thể để cho phép người dân trở lại làm việc nếu như kết quả cho thấy họ đã hồi phục bệnh COVID-19. Ông Cravatt, vốn là một nhà sinh hóa, tuyên bố đây là “ý tưởng tồi tệ nhất” mà ông từng nghe được. Theo ông, những tiếp xúc trước đó có thể không ngăn cản việc một người truyền virus sang người khác và việc quá chú tâm vào xét nghiệm kháng thể có thể sẽ khiến nhiều người tự ý lây nhiễm cho bản thân với mục đích sau đó sẽ được một lý lịch sức khỏe “sạch”.
Nhóm đề xuất giải pháp 3 giai đoạn – nội dung cũng được đưa vào báo cáo 17 trang, tập trung vào việc xác định mức độ can dự của chính liên bang. Đơn cử, họ khuyến khích chính quyền mua các loại thuộc chưa chứng thực được tính hiệu quả, xem đây là cách để khuyến khích các hãng dược đẩy mạnh sản xuất mà không phải lo lắng về tổn thất tài chính một khi thuốc không hữu dụng. Môt cách khác chính là giảm thời gian rà soát thử nghiệm, giám sát lâm sàng đối với thuốc mới, từ mức 9 tháng đến một năm như hiện nay xuống chỉ còn với tuần.
Bước tiếp theo cần phải làm là đưa được những đề xuất của nhóm tới đúng người trong chính quyền Trump. Một lần nữa, bác sĩ Cahill lại tìm được một tỉ phú thích hợp.
Quảng bá
Brian Sheth, đồng sáng lập công ty quỹ tư nhân Vista Equity Partners, một người theo đảng Dân chủ, đã theo sát nỗ lực của nhóm từ nhà riêng của ông ở Austin, bang Texas. Ông là một nhà đầu tư hào hứng với quỹ của bác sĩ Cahill và là người đầu tiên tham gia đóng góp vốn. Chuyên môn chính của Sheth là công nghệ, chứ không phải ngành miễn dịch. Ông có quan hệ bạn bè với Thomas Hicks, một doanh nhân người Dallas và là đồng chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC). Chính Shelth là người đã giới thiệu ông Hicks cho nhóm của Cahill. Kết nối được tạo lập giữa một nhóm chủ yếu là các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự do đến từ các thiết chế thiên tả, với một nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa, người cùng chí hướng với đương kim Tổng thống Donald Trump.
Trong lần trò chuyện qua tin nhắn với nhóm ông Hick đặt thẳng vấn đề “tôi không phải là một nhà khoa học. Hãy nói cặn kẽ, chi tiết để tôi có thể hiểu được và sau đó các anh có thể cho biết đâu là điểm cứng nhắc cần tháo gỡ”. Một trong những quan ngại chính của các chuyên gia là cửa ải FDA. Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã xác định các loại kháng thể tế bào đơn dòng khắc chế tế bào virus là phương pháp trị bệnh có triển vọng nhất.
Nhưng để có số lượng thuốc đủ đáp ứng nhu cầu, hãng dược phẩm Regeneron Pharmaceuticals sẽ phải dịch chuyển một số dây truyền sản xuất hiện hành sang Ai-len. Các quy định định cấp phép của FDA khiến việc này phải mất đến cả tháng.
Ông Scolnick, người đã từng ngán ngẩm với tệ quan liêu trong đại dịch AIDS, cố tìm cách tiếp cận FDA. Cuộc gọi kết thúc vô vị, sau khi giới chức cơ quan này cho biết họ đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong một cuộc họp trực tuyến của Nhóm sau đó, một nhà khoa học thành viên đã nói “chính FDA mới là vấn đề ở đây”.
Các ý tưởng khác được đưa ra bàn bạc gồm có phát triển một kít xét nghiệm dịch hầu, các cuộc xét nghiệp được lên lịch vào cuối ngày là việc để sáng sớm hôm sau có kết quả. Các nhà khoa học cũng đề xuất xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh ở phạm vi toàn quốc, yêu cầu công dân hàng ngày xác định thông tin hàng ngày họ không có bất kì một trong 14 triệu chứng nào của bệnh cảm lạnh, sốt.
Những nhà khoa học tiếp tục thảo luận với các quan chức trong chính quyền trong những ngày gần đây, với hy vọng báo cáo mật sẽ chuyển thành hành động. “Chúng ta cần toàn bộ quốc gia - từ chính phủ, doanh nghiệp cho tới giới khoa học, đoàn kết lại để chiến thắng dịch bệnh”, ông Pagliuca tuyên bố.