Dịch bệnh đã làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc, gây suy giảm các hoạt động xã hội và giảm lượng đồ uống tại cá nhà hàng, quán bar. Nhưng một trong những nhãn hiệu đồ uống nổi tiếng nhất Trung Quốc vẫn sống khỏe.
Mao Đài Quý Châu (Kweichow Moutai), công ty rượu nhà nước đặt trụ sở tại tỉnh Quý Châu chế ra loại rượu trắng lừng danh đã đi ngược lại xu thế chung, với mức doanh số trong quý 1 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của công ty tăng 17%, lên mức 1,85 tỉ USD.
Những số liệu mới nhất giúp cổ phiếu của hãng rượu được giao dịch trên sàn Thượng Hải đạt mức tăng khá. Cổ phiếu Mao Đài Quý Châu đã tăng 8% trong năm nay, trong bối cảnh các cổ phiếu cùng ngành nghề giảm. Bất chấp những lo ngại về một số vấn đề trong quản lý, Mao Đài Quý Châu trở thành một trong những công ty có giá trị nhất trong ngành đồ uống có cồn toàn cầu, với giá trị vốn hóa đạt 227 tỉ USD, vượt xa một đối thủ tên tuổi khác là Diageo có mức vốn hóa 79 tỉ USD.
Mức độ thành công của Mao Đài Quý Châu càng rõ khi đặt cạnh bên cạnh những công ty cùng ngành nghề tại Trung Quốc. Sichuan Swellfun, hãng rượu có tên tuổi phổ biến hơn với người tiêu dùng Trung Quốc với dòng rượu Shuijingfang, có doanh thu và lợi nhuận trong quý 1 giảm lần lượt 22% và 13%. Lưu chuyển dòng tiền của Swellfun giảm 67% trong khi đó Mao Đài Quý Châu có mức tăng 94%, đạt mức 2,3 tỉ Nhân dân tệ. Một hãng đồ uống khác của Trung Quốc cũng phải đối mặt với kết quả kinh doanh tồi tệ trong quý. Công ty rượu Zhejiang Guyuelongshan Shaoxing, chủ sở hữu thương hiệu rượu vang vàng huangjiu ngày 28/4 cho biết doanh số bán hàng trong quý giảm 42%.
Tình cảnh u ám cũng là câu chuyện xảy ra với hãng đồ uống số một của Trung Quốc – Tập đoàn Bia Tsingtao, hãng có doanh thu giảm 20% tính trong hai tháng đầu năm 2020. Sản lượng bia tại Trung Quốc trong cả quý 1 giảm 33,8%, xuống còn 5,495 tỉ lít.
Nhân tố giúp doanh số, lợi nhuận của Mao Đài Quý Châu khác biệt với số còn lại chính là ở thương hiệu Mao Đài, vốn được coi là “quốc tửu” của Trung Quốc. Rượu Mao Đài từ lâu đã được sử dụng trong các buổi yến tiệc, trong đó có buổi tiệc nổi tiếng Thủ tướng Chu Ân Lai chào đón Tổng thống Nixon tại Đại Lễ đường Nhân dân khi nhà lãnh đạo Mỹ có chuyến thăm Trung Quốc năm 1972.
Kế đến, chai rượu quý này đã trở thành món quà tặng có giá và là một mặt hàng của giới nhà buôn có xu hướng đầu cơ, tích trữ. Rượu quý này từng trải qua cơn sóng gió khi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ở vào giai đoạn cao trào, bị chỉ trích là món đồ xa xỉ tại các bàn tiệc lãng phí, quà tặng đắt tiện.
Theo ông Kevin Sun thuộc Công ty Chứng khoán Quốc tế CCB nhận định, rượu Mao Đài được hưởng lợi từ thương hiệu, một nhãn hàng được công nhận rộng rãi ở trung Quốc. “Khi những đối thủ cạnh tranh phải vật lộn trước khó khăn, chúng tôi cho rằng Mao Đài vẫn sẽ giữ được đà tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2020, một năm đầy bất ổn”, ông Sun nhận định.
Nhà phân tích tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc chi nhánh Hong Kong này giữ nguyên dự báo triển vọng của cổ phiếu Mao Đài Quý Châu, nâng mức giá kỳ vọng từ 1.207,00 tệ/cổ phiếu lên 1.381,30 tệ/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/4, cổ phiếu Mao Đài được giao dịch ở mức giá 1.279,13 tệ/cổ phiếu.
Chuyên gia phân tích cổ phiếu Mark Yuan thuộc tập đoàn tài chính Jefferies Hong Kong khuyến nghị mua vào cổ phiếu của Mao Đài Quý Châu, với mực giá mục tiêu có thể đạt tới 1.480 tệ/cổ phiếu. Ông cho rằng dịch COVID-19 ít có ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mao Đài, trong bố cảnh nhu cầu đối với loại rượu này tăng nhanh hơn năng lực sản xuất.