Theo phóng viên TTXNV tại Mỹ, trong một phát biểu, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump đối với cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua giữa Israel và Palestine. Bà Pelosi nhấn mạnh: “Nếu có một khả năng cho hòa bình, chúng tôi muốn cho điều đó một cơ hội”, đồng thời cho rằng cần lạc quan và hy vọng về một nền hòa bình tại Trung Đông.
Cùng chung quan điểm với Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và Chủ tịch Tiểu ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ về vấn đề Trung Đông, Bắc Mỹ và khủng bố quốc tế Ted Deutch cũng bày tỏ sự lạc quan đối với bản kế hoạch.
Chủ tịch Eliot Engel cho biết: “Bản tóm tắt kế hoạch dài hai trang cho tôi một chút hy vọng”, trong khi Chủ tịch Ted Deutch đánh giá: “Tổng thống Trump đã nói rất cởi mở về một nhà nước Palestine và cũng nói rất nhiều về việc đáp ứng nhu cầu an ninh cua Israe. Tôi tin và hy vọng cuộc nói chuyện có thể tiếp tục và dẫn tới các cuộc đàm phán giữa các bên”.
Trái ngược với quan điểm trên, một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ “Thỏa thuận thế kỷ” của Tổng thống Trump.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên Tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ, lên án kế hoạch trên không mang lại tương lai thực sự cho một quốc gia Palestine, đồng thời cho biết bà sẽ phản đối bất kỳ kế hoạch nào giống như kế hoạch của Tổng thống Trump được đưa ra mà không có sự tham gia của các nhà đàm phán Palestine. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen gọi đề xuất của Tổng thống Trump là “kế hoạch chống hòa bình" và ông cho rằng đó là thỏa thuận một bên và gây bất lợi cho người Palestine.
Trước đó, Tổng thống Trump công bố "Kế hoạch hòa bình Trung Đông" mà ông cho rằng đó là một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Đông.
Bản kế hoạch này đưa ra chi tiết về cách thức mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ giải quyết những thách thức chính trị kéo dài trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine.
Theo nội dung của kế hoạch hòa bình này, nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, tùy thuộc vào những bước đi mà người Palestine sẽ thực hiện để trở thành một chính quyền tự quản. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel.
Tuy nhiên, bản kế hoạch trên của Tổng thống Trump vấp phải phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cũng như người dân Palestine khi cho rằng thỏa thuận trên sẽ hủy hoại triển vọng của một giải pháp đàm phán và các đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump là "một tiết mục xiếc chính trị".