Phát biểu với báo giới ngày 28/1, quan chức cấp cao của Phong trào Fatah - ông Azzam al-Ahmed cho biết: "Chúng tôi đã mời Phong trào Hồi giáo Hamas tham dự cuộc họp lãnh đạo khẩn cấp và họ sẽ tham gia cuộc họp này".
Quan chức của Hamas - ông Nasser al-Din al-Shaar cũng đã xác nhận sẽ tham dự một cuộc họp, trong đó tất cả các phe phái của Palestine đều được mời đến. Ông Shaar nêu rõ: "Cuộc họp này sẽ thảo luận về lập trường cần phải thể hiện để phản đối kế hoạch của ông Trump".
Phong trào Hồi giáo Hamas (hiện kiểm soát Dải Gaza) vốn mâu thuẫn với Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas - phái lớn nhất trong Tổ chức Giải phóng Palestine - trong nhiều năm qua. Do đó, các đại diện của Hamas hiếm khi tham gia các cuộc họp của lãnh đạo Palestine ở Bờ Tây.
Theo kế hoạch, cuối ngày 28/1, tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ công bố "Kế hoạch hòa bình Trung Đông" mà ông ấp ủ từ năm 2017 nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Mặc dù ông Trump tuyên bố đây là "kế hoạch tốt" và "có sự ủng hộ về cơ bản đối với Palestine", song người dân Palestine đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch này và chỉ trích Tổng thống Mỹ thiên vị Israel.
Một loạt cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tiến hành trong hai ngày 28 và 29/1 ở cả Bờ Tây và Dải Gaza để phản đối "Kế hoạch hòa bình Trung Đông" của Mỹ.
Giới chức Palestine cho biết Tổng thống Mahmud Abbas đã bác bỏ các cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẽ không thảo luận với Mỹ "cho tới khi họ công nhận giải pháp hai nhà nước". Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch trên (của Mỹ) bởi điều đó vi phạm luật pháp quốc tế".
Trước đó, Mỹ đã công bố phần kinh tế trong "Kế hoạch hòa bình Trung Đông" với đề xuất đầu tư 50 tỷ USD vào Bờ Tây, Dải Gaza và một số nước trong khu vực nhưng vẫn giữ bí mật về phần chính trị. Một số nguồn tin cho biết Mỹ có thể ủng hộ Israel giữ lại tất cả các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Điều này không phù hợp nguyên tắc giải quyết xung đột Israel - Palestine dựa trên đường biên giới trước năm 1967. Nhiều nước Arab cũng đã bác bỏ một kế hoạch như vậy của Mỹ.