Đại dịch COVID-19 ‘điểm huyệt’ Sáng kiến ‘Con đường và Vành đai’ của Trung Quốc

Mặc dù nền kinh tế tại quê nhà có dấu hiệu khởi sắc song các dự án nước ngoài thuộc Sáng kiến “Con đường và Vành đai” của Trung Quốc vẫn đang chững lại vì thiếu vật tư và lao động lành nghề trong đại dịch.

Chú thích ảnh
Tháp Lotus tại Colombo - thủ đô Sri Lanka - là một công trình trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường". Ảnh: THX

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Sáng kiến “Con đường và Vành đai” đang chật vật trước những thách thức do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), bao gồm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các lệnh hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của các nước. Hàng loạt dự án bị trì hoãn và chi phí đội lên cao đã dấy lên những nghi vấn về khả năng hoàn thành những dự án này trong tương lai.

Tại Indonesia, đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức mới cho dự án đường sắt cao tốc có tổng trị giá 6 tỷ USD nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung cách 150 km. 

“Đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động vận chuyển vật tư từ Trung Quốc trì hoãn. Bên cạnh đó, các chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa quay lại vì điều kiện không thuận lợi”, ông Chandra Dwiputra – Chủ tịch Tập đoàn Cepat Indonesia-China (KCIC) phụ trách dự án – cho hay.

Nhân công Trung Quốc chiếm 1/5 lực lượng lao động trong dự án, song các lệnh cấm của chính phủ trước nỗi lo đại dịch đã ngăn cản nhiều người quay trở lại làm việc. Hiện có khoảng 300 nhân viên đang kẹt tại Trung Quốc, mặc dù công việc trên tuyến đường sắt vẫn đang tiếp tục tiến hành trong thời gian này.

Ngoài dự án đường sắt trên, một dự án khác xây đập trong rừng nhiệt đới Batang Toru cũng bị chậm trễ do lệnh hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc.

Tuần trước, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản nhà nước Trung Quốc cho biết đại dịch đã gây ra nhiều mối nguy lớn đối với các dự án trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

“Các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng từ virus SARS-CoV-2 đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát, dẫn tới tác động lên chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Các công ty nhà nước cũng chậm trễ trong việc triển khai hợp đồng, chứng kiến sự giảm sút về đơn đặt hàng và đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vật tư thô”, ông Xia Qingfeng – người đứng đầu bộ phận truyền thông của ủy bản – cho hay.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong hai tháng đầu năm, chỉ có 39.000 lao động nước này xuất ngoại, giảm 29.000 người so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối tháng 2, số lượng lao động Trung Quốc ở nước ngoài đạt mức 778.000 người, giảm 188.000 người so với một năm trước đó.

Rõ ràng những hạn chế về việc cấp thị thực đang khiến triển vọng ngắn hạn đối với các dự án của Trung Quốc tại châu Á gặp trở ngại.

Cụ thể, các lệnh hạn chế di chuyển đối với nhân công Trung Quốc đã khiến các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD “đóng băng” đến 8 tuần. Trong khi đó, Bangladesh cũng tuyên bố tạm ngưng các dự án “Vành đai và Con đường” trong nước, bao gồm các công trình cầu đường và nhà máy điện.

Một trong những dự án “Vành đai và Con đường” lớn nhất tại Sri Landa – siêu thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỷ USD – cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch do các lệnh hạn chế nhập khẩu và biện pháp cách ly đối với nhân công nước ngoài.

Chính phủ Sri Lanka đã thực hiện một lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với các mặt hàng “không thiết yếu” để tránh sự trượt giá của đồng rupee cũng như duy trì dự trữ ngoại hối. Một nhà kinh tế Sri Lanka nhận định lệnh cấm trên phần nào cắt giảm lượng thiết bị và máy móc xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Ngân hàng trung ương hướng dẫn các ngân hàng khác không mở các cơ sở giao dịch cho những hoạt động nhập khẩu như vậy. Quy định có hiệu lực 3 tháng, và áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước”, vị chuyên gia giấu tên chia sẻ.

Mặc dù Bắc Kinh đảm bảo tình hình chậm trễ đối với các dự án trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” chỉ là tạm thời, song một số nhà phân tích không tỏ ra mấy lạc quan. Trong một báo cáo phân tích tuần trước, Cơ quan Tình báo Kinh tế EIU nhận định đại dịch COVID-19 sẽ làm tổn hại tới sự hợp tác trong các dự án.

Kể từ tháng 1, Trung Quốc đã kết một loạt dự án “Vành đai và Con đường” mới, bao gồm các công trình thực hiện ở Myanmar, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, EIU cảnh báo các quốc gia này phải đối mặt với một “tương lai không hề chắc chắn”.

Bà Marie Lam-Frendo, Giám đốc điều hành Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu G20, cho biết tác động của đại dịch đối với kế hoạch “Vành đai và Con đường” sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất trong các dự án xây dựng trên đất trống.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Trung Quốc mua nông sản Mỹ giữa dịch COVID-19, bước đi 3 lợi ích
Trung Quốc mua nông sản Mỹ giữa dịch COVID-19, bước đi 3 lợi ích

Động thái mua nông sản Mỹ để tăng cường kho dự trữ quốc gia giữa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được coi là bước đi đem về thắng lợi gấp ba cho Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN