Dẫn ba nguồn tin biết về kế hoạch của chính phủ, hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị mua hơn 30 triệu tấn nông sản cho kho dự trữ quốc gia nhằm đề phòng gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đây cũng là động thái Trung Quốc làm để thực hiện cam kết với Mỹ.
Cụ thể, Trung Quốc dự kiến mua 10 triệu tấn đậu nành, 20 triệu tấn ngô và 1 triệu tấn bông cho kho dự trữ quốc gia. Trung Quốc sẽ nhập phần lớn các loại nông sản này từ Mỹ để thực hiện cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã ký kết vào hồi tháng 1 với Washington.
Trung Quốc cũng mua thêm 1 triệu tấn đường, 2 triệu tấn dầu đậu nành cho kho dự trữ, song không rõ sẽ nhập từ nước nào.
“Thông điệp chính từ Bắc Kinh là muốn đảm bảo cuộc sống của người dân. Đây là khoảng thời gian thích hợp để tăng cường kho dự trữ quốc gia, đặc biệt là khi giá các mặt hàng đang thấp”, một nguồn tin giấu danh tính tiết lộ. Giá đậu nành và ngô của Trung Quốc hiện cao gấp đôi giá những mặt hàng này ở Mỹ.
Tuy nhiên, các nguồn tin trên cho biết không rõ thời điểm nào diễn ra hoạt động thương mại trên vì còn phụ thuộc vào biến động thị trường. “Cùng một lúc, Trung Quốc giành thắng lợi gấp ba. Các mặt hàng dự trữ có thể được giải phóng trong trường hợp cần giữ giá. Mặt khác, điều này giúp Bắc Kinh thực hiện thỏa thuận thương mại với Washington. Và cuối cùng là giá mua vào có lợi cho Trung Quốc”, một nguồn tin giải thích.
Theo dữ liệu của nhà cung cấp toàn cầu Refinitiv, tổng giá trị ngô và đậu nành Trung Quốc mua của Mỹ rơi vào khoảng 6,25 tỷ USD. Trong quý đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng nông sản Mỹ trị giá 5,05 tỷ USD.
Chỉ trong 5 tháng kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đại dịch COVID-19 đã lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến ít nhất 2,8 triệu người mắc bệnh và trên 198.000 người tử vong. Các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan đã khiến các nền kinh tế trì trệ và đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có nông nghiệp.
Dịch bệnh đã làm cho ngành nông nghiệp và thực phẩm Mỹ chịu tác động lớn. Người nông dân gặp khó khăn trong tìm nhân công thời vụ để thu hoạch. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng khi ngày càng nhiều người dân Mỹ ăn ở nhà, còn các trường học, nhà hàng đóng cửa đã buộc giá cây trồng và vật nuôi giảm. Nhằm hỗ trợ thiệt hại chưa từng có vì đại dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 đã công bố gói cứu trợ tài chính 19 tỷ USD giúp ngành nông nghiệp ứng phó với suy thoái kinh tế.