COVID-19 tới 6h sáng 19/12: Omicron có mặt ở 89 quốc gia; Anh lập kỷ lục ca mắc mới

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 503.000 ca mắc COVID-19 và trên 4.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 274,4 triệu ca, trong đó trên 5,36 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (90.418 ca), Pháp (58.536 ca) và Mỹ (trên 53.000 ca). Với con số trên, ca mắc mới ở Anh đã lập kỷ lục trong ngày 18/12. Tới nay, Anh có trên 121,2 triệu ca mắc tính từ đầu đại dịch.

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.076 ca), Ba Lan (543 ca) và Mỹ (416 ca).

Chú thích ảnh
Xét nghiệm y tế để phát hiện người nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 17/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo công bố ngày 18/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận xuất hiện tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời biến thể này đang lây lan nhanh tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng. 

Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp đôi trong vòng từ 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực lây nhiễm trong cộng đồng. Báo cáo cho biết Omicron đang lây lan nhanh ở những nước có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguyên nhân do biến thể này có khả năng "né" miễn dịch hay do tính chất siêu lây nhiễm vốn có của biến thể này, hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta, và không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể này có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta. Đây là kết quả nghiên cứu mà Đại học Hoàng gia London vừa công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang gia tăng trên khắp châu Âu có thể khiến các lễ hội cuối năm phải hủy bỏ.

Đức, Hà Lan tái áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm di động ở Kreuzberg, Berlin (Đức) ngày 30/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức đã đưa Pháp và Đan Mạch vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, theo đó sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh từ hai nước này. 

Theo quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/12, người chưa tiêm chủng hoặc người chưa có kháng thể virus SARS-CoV-2 do mắc bệnh trước đó, từ những nước có nguy cơ cao khi nhập cảnh vào Đức sẽ phải cách ly và có thể phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 ở ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Ngoài Pháp và Đan Mạch, quy định này cũng sẽ được áp dụng với các nước Na Uy, Liban và Andorra. 

Do sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo quốc gia châu Âu này sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 5. Ông nhấn mạnh Đức cần chuẩn bị ứng phó với thách thức lớn chưa từng có từ Omicron ngay cả khi biến thể này không nguy hiểm như Delta, mà chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ.

Sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới liên tục tăng, Đức đã tái áp đặt các hạn chế, như cấm người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đến nhà hàng, các các cơ sở cung cấp dịch vụ không thiết yếu. Nhờ đó, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày đã giảm nhẹ, song sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron đang đe dọa đẩy số ca nhiễm mới tăng cao trở lại. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ultrecht, Hà Lan ngày 8/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này sẽ bước vào đợt phong tỏa trong dịp Giáng sinh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Phát biểu trên truyền hình, ông Mark Rutte bày tỏ: “Tôi đứng đây tối nay trong tâm trạng rất buồn bã. Nói tóm lại trong một câu là Hà Lan sẽ quay trở lại phong tỏa từ ngày mai (19/12)”. Thủ tướng Hà Lan nói thêm rằng phong tỏa là việc “không thể tránh khỏi” trước nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 5 do sự lây lan của biến thể Omicron còn dữ dội hơn những gì mà dư luận đã lo ngại.

Viện Y tế quốc gia Hà Lan thông báo trong 24 giờ qua, nước này có 14.614 ca nhiễm, giảm so với tuần trước đó, song vẫn cao hơn đỉnh dịch của làn sóng dịch bệnh trước. Hệ thống y tế của Hà Lan cũng đã ngừng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh định kỳ, và hủy các hoạt động khám chữa bệnh khác trừ các trường hợp cần phẫu thuật khẩn cấp để tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ bệnh nhân COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 có xu hướng giảm tại Nga

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18/12, Nga ghi nhận 27.434 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 10,1 triệu người.

Như vậy, Nga đã ghi nhận ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới ở mức dưới 30.000 ca. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 1.076 ca tử vong vì COVID-19. 

Số liệu của Cơ quan điều phối chống COVID-19 của Liên bang Nga cho biết số trường hợp đang phải điều trị tính đến ngày 18/12 đã giảm xuống 938.377 người, trong khi số người khỏi bệnh là 38.041 ca, nâng tỷ lệ bệnh nhân xuất viện lên mức 87,9% số ca mắc.

Thủ tướng Pháp dự báo Omicron là biến thể chủ đạo vào đầu năm 2022

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một chợ Giáng sinh ở Paris, Pháp, ngày 9/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhận định của Thủ tướng Pháp Jean Castex, nhiều khả năng số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ gia tăng nhanh chóng tại châu Âu và có thể trở thành biến thể chủ đạo trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Pháp kể từ đầu năm 2022. Ông Castex nhấn mạnh thêm rằng dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, nhưng biến thể mới này dường như không nguy hiểm hơn biến thể Delta và các dữ liệu hiện có cho thấy việc tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cũng như các mũi tiêm tăng cường giúp tạo "lá chắn" hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng nặng.  

Thủ tướng Castex cho biết thêm người dân sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sau 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ hai, giảm một tháng so với quy định ban đầu. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ chính phủ nước này sẽ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết tình trạng do dự về việc tiêm vaccine kể từ năm tới. Hiện có khoảng 1-2 triệu người tại Pháp vẫn chưa sẵn sàng tiêm phòng COVID-19 và điều này tiềm ẩn rủi ro đối với đời sống của toàn thể người dân Pháp.

Giống như nhiều nước châu Âu khác, Pháp đang hứng chịu làn sóng mới của dịch COVID-19 với số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh cùng với sự lây lan của biến thể Omicron. Theo các số liệu cập nhật, gần 3.000 bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này đang được điều trị tích cực. Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, kể từ ngày 18/12, các du khách phải nêu được các lý do có sức thuyết phục để di chuyển giữa Anh và Pháp, căn cứ trên các quy định mới được Chính phủ Pháp công bố hôm 16/12 vừa qua nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron.

Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng nhanh tại Italy

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cailungo, San Marino, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18/12, Viện Y tế quốc gia (ISS) Italy tuyên bố biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở nước này, với các ca bệnh mới được xác định ở cả miền Bắc và miền Nam. Báo cáo của ISS cho biết mạng lưới các phòng thí nghiệm khu vực của họ cho đến nay đã xác định được 84 ca mới nhiễm biến thể Omicron, với 33 ca tại vùng miền Bắc Lombardy, gần Milan và 20 ca khác ở vùng miền Nam Campania, trung tâm là Naples.

Số liệu của Bộ Y tế Italy cho thấy, ngày 18/12, nước này có 123 ca tử vong vì COVID-19, so với 120 ca ngày 17/12, trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày giảm nhẹ xuống 28.064 từ 28.632 ca, số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 11/2020. Số ca mắc mới gia tăng đột biến, bất chấp các quy định mới về siêu thẻ xanh và thực tế là hơn 85% dân số Italy trên 12 tuổi hiện đã được tiêm vaccine đủ liều.

Ukraine ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Ngày 18/12, Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko cho biết nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. 

Đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Bộ trưởng Lyashko cho biết trường hợp nói trên là người vừa trở về Ukraine từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến nay, Ukraine đã ghi nhận tổng cộng 3,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 92.929 ca tử vong. 

Hàn Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch trong dịp Giáng Sinh và Năm mới

Từ ngày 18/12, Hàn Quốc bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong dịp Giáng sinh và Năm mới

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/12/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo quy định phòng dịch mới được cập nhật và có hiệu lực đến ngày 2/1/2022, Hàn Quốc chỉ cho phép tối đa 4 người tham gia các buổi tụ tập cá nhân, thay vì 6 người tại thủ đô và 8 người ở các địa phương khác như quy định trước. Quy định này có hiệu lực tại tất cả địa phương trên cả nước. Các cở sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa vào lúc 21h hoặc 22h hằng ngày tùy mặt hàng, dịch vụ kinh doanh cụ thể. Chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được tới nhà hàng, quán cà phê cùng người khác, trong khi những người chưa tiêm chủng chỉ có thể được phục vụ một mình hoặc yêu cầu mua hàng mang đi, hoặc giao hàng tại nhà. 

Từ ngày 20/12, các trường học tại vùng thủ đô Seoul sẽ tiếp tục học trực tuyến, trừ lớp 1 và lớp 2 của bậc tiểu học. 

Theo báo cáo của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 18/12 ghi nhận 7.312 ca nhiễm mới, trong đó có 7.284 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày. Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 558.864 ca. Tuy nhiên, ngày 18/12, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 gặp biến chứng nặng lên tới 1.016 ca. 

Việc Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch cho thấy sự linh hoạt của nước này trong quá trình thực hiện chủ trương "sống chung với COVID-19". Tháng 11/2021, Hàn Quốc đã triển khai thực hiện chủ trương này với mục tiêu dần khôi phục trạng thái bình thường thông qua việc gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế theo một lộ trình đã đề ra.

Thủ đô Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 18/12 đã đề nghị người dân không rời khỏi nơi cư trú trong dịp lễ lớn đầu năm 2022, như một phần trong chiến dịch nhằm kiểm soát các nguy cơ về dịch COVID-19 giữa lúc tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2022.

Thông báo khẳng định Bắc Kinh kiên quyết đảm bảo "mục tiêu zero COVID, cũng như tổ chức thành công các sự kiện thể thao, và mong muốn người dân có những ngày nghỉ ý nghĩa và bình yên".

Thông báo cũng đề nghị người dân không có các chuyến đi không cần thiết ra ngoài thành phố, đồng thời kêu gọi tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tuyến./.

Ai Cập ghi nhận 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này đã ghi nhận 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. 

Theo thông báo của Bộ trên, 2 ca nhiễm biến thể Omicron hiện không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi trường hợp thứ 3 có triệu chứng nhẹ.

Ai Cập ghi nhận thêm 910 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/12, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 373.509 ca. Ngoài ra, với thêm 43 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện là 21.277 ca.  

Canada ghi nhận trên 7.000 ca nhiễm mới

Tại Canada, trong ngày 18/12, nước này ghi nhận 7.358 ca nhiễm mới. Đến nay, Canada ghi nhận tổng cộng 1,87 triệu ca nhiễm, trong đó có 30.038 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Toronto, Canada, ngày 12/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Từ tuần trước, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Canada liên tục tăng cao, một phần do sự lây lan của biến thể Omicron. 

Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ quan ngại về tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, trong khi đó một quan chức y tế cấp cao của nước này cảnh báo hệ thống y tế tại đây sẽ lâm vào tình trạng quá tải.   

Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: "Tôi hiểu rằng số ca mắc mới cao kỷ lục ghi nhận tại nhiều khu vực của đất nước thật đáng sợ, nhưng tôi tin tưởng chúng ta có thể vượt qua giai đoạn này". Nhà lãnh đạo Canada cũng kêu gọi người dân trên cả nước tiêm vaccine ngừa COVID và đảm bảo giữ khoảng cách an toàn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.  

Omicron sẽ trở thành biến thể phổ biến nhất tại Mỹ

Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky ngày 17/12 cho rằng Omicron sẽ trở thành biến thể phổ biến nhất tại Mỹ trong vài tuần tới.

Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Walensky nêu rõ: “Mặc dù biến chủng Delta vẫn lan rộng tại Mỹ song Omicron sẽ gia tăng nhanh chóng và trở thành biến thể phổ biến nhất trong những tuần tới”. Hiện nay các ca mắc biến thể Omicron đã được ghi nhận tại ít nhất 39 bang của Mỹ, kể cả ở những người đã tiêm đủ vaccine hoặc tiêm mũi tăng cường, nhưng chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ. Điều này buộc Mỹ phải triển khai chiến lược chống dịch đa tầng, trong đó quy định đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp vệ sinh, tăng cường tiêm chủng trong nước và đẩy mạnh tài trợ vaccine cho các nước trên thế giới.

Theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng, đến nay Mỹ đã tài trợ hơn 335 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có khoảng 50 triệu liều vừa được gửi đi trong 2 tháng gần đây. Hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tài trợ hơn 1 tỷ liều vaccine cho những nước nghèo với tư cách là “kho vaccine ngừa COVID-19 của thế giới”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 18/12: Cả khối trên 14,5 triệu ca mắc; Malaysia thêm 11 ca nhiễm biến thể Omicron
COVID-19 tại ASEAN hết 18/12: Cả khối trên 14,5 triệu ca mắc; Malaysia thêm 11 ca nhiễm biến thể Omicron

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 18/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 25.796 ca mắc COVID-19 và 424 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.559.312 ca, trong đó 299.807 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN