COVID-19 tới 6 giờ sáng 7/1: Thế giới trên 87,5 triệu ca bệnh; căng thẳng nguồn cung vaccine

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 674.051 trường hợp mắc COVID-19 và 12.067 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 87,5 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 87.501.718 ca, trong đó có 1.887.471 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 62.968.258 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 22.645.989 ca và 108.757 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 6/1, thế giới có tới 126 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Belem, bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 368.753 ca tử vong trong tổng số 21.776.971 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.372 ca tử vong trong số 10. 395.938 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 198.657 ca tử vong trong số 7.867.156 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 4/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục cũng thông báo thêm 32 ca mắc mới, trong đó 23 ca lây nhiễm trong nước và 9 ca nhập khẩu. Không có ca tử vong vì dịch bệnh được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Hiện tổng số ca mắc bệnh tại Trung Quốc đại lục là 87.215 ca, trong đó có 443 bệnh nhân đang điều trị, 82.138 người đã bình phục và 4.634 người tử vong. Giới chức Trung Quốc đã thông báo biện pháp hạn chế mới tại thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hà Bắc (Hebei), theo đó hoạt động đi lại bị siết chặt, trường học buộc phải đóng cửa, nhằm ngăn chặn sự bùng phát của ổ dịch COVID-19 mới sau khi hàng chục ca mắc mới được phát hiện tại đây.

Cũng trong ngày 6/1, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt 6.000 ca, trong đó thủ đô Tokyo và một số tỉnh đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất. Con số trên đã vượt qua mức cao nhất (4.916 ca) được ghi nhận trong một ngày trước đó.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ ra quyết định cuối cùng về việc ban bố tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ứng phó dịch COVID-19 trong ngày 7/1.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/1/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 1.000 ca/ngày, mang lại hy vọng dịch bệnh đang chững lại. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), sáng 6/1, nước này đã ghi nhận thêm 840 ca mắc mới, trong đó 809 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 65.818 ca.

Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm 20 người trong 24 giờ qua, nâng số người tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc lên 1.027 người. Cùng ngày, Hàn Quốc đã quyết định kéo dài lệnh cấm các chuyến bay đi và đến từ Anh thêm 2 tuần nhằm ngăn chặn có thêm các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2, được phát hiện tại quốc gia châu Âu này. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 11 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2.

Tại Ấn Độ, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh đã vượt mức 150.000 ca trong ngày 6/1. Theo Bộ Y tế Liên bang Ấn Độ, tổng số ca tử vong tại quốc gia này đã tăng lên 150.114 ca, tăng 264 ca so với một ngày trước đó. Trong khi đó, tổng số ca bệnh tại quốc gia này cũng tăng lên 10.374.932 ca, thêm 18.088 ca so với ngày 5/1.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên cầu Tháp ở London khi Chính phủ Anh ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Anh ghi nhận số ca mắc mới lần đầu tiên vượt quá 60.000 trường hợp kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia châu Âu này. Theo số liệu được công bố ngày 6/1, nước Anh đã ghi nhận thêm 62.532 ca mắc và 1.041 người tử vong trong 24 giờ qua.

Như vậy, đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới theo ngày ở Anh vượt qua 50.000 người. Thủ tướng Boris Johnson cho biết hiện hơn 1,3 triệu người ở Vương quốc Anh đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa mới ở England nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Hiện có tới 3/4 trong tổng số 410 huyện và thành phố ở Đức có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 ca/100.000 dân trong 7 ngày, trong đó có trên 70 huyện thị có chỉ số vượt quá 200 ca.

Theo thông báo ngày 6/1 của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), cho tới nay Đức đã tiến hành tiêm chủng được cho gần 317.000 người, trong đó có trên 131.000 trường hợp là những người ở các cơ sở dưỡng lão. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã tuyên bố nước này sẽ nhận được hơn 130 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để tiêm cho tất cả người dân nước này.

Lo ngại sự lây lan của biến thể của virus SARS-CoV-2, Đan Mạch cho biết sẽ cấm những người từ Nam Phi nhập cảnh trong thời gian từ ngày 6-17/1, ngoại trừ các trường hợp chăm sóc trẻ em, thăm thân hoặc những người đau ốm. Tuy nhiên, những trường hợp này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Aaltar, Hà Lan, ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đan Mạch hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi hồi giữa tháng 12 vừa qua và ở một số nước sau đó. Tuy nhiên, nước này đã phát hiện khoảng 90 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Anh.

Nhà chức trách đề nghị người dân ở trong nhà càng nhiều càng tốt, tránh tiếp xúc với những người không sống cùng một nhà hoặc người lạ. Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Đan Mạch là 173.000 người, trong đó có 1.420 trường hợp tử vong.

Các nước châu Âu khác như Đức, Séc và Pháp cũng ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới.

Chú thích ảnh

Ngày 6/1, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết Nga đã đưa vào sử dụng hơn 1,5 triệu liều vaccine Sputnik-V và hơn 45.000 liều vaccine EpiVacCorona ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do nước này phát triển.

Bộ trưởng Murashko thông báo với các phóng viên sau hội nghị trực tuyến với các vùng của Nga: "Hôm nay (6/1), Cục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Roszdravnadzor đã phê chuẩn thêm 10.700 liều mới được đưa vào lưu hành dân sự. Như vậy, 1.543.000 liều vaccine Sputnik-V và hơn 45.000 liều vaccine EpiVacCorona đã được đưa vào lưu hành". Bộ trưởng Murashko nói thêm rằng, hơn 120.000 liều vaccine đang được đưa đến các vùng của Nga. Theo ông Murashko, việc sản xuất vaccine Sputnik-V ở trong nước đang phát triển và 6 cơ sở sản xuất đã hoạt động. Cơ sở thứ 7 sẽ sớm đi vào hoạt động.

Cùng ngày, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev cho biết công xuất sản xuất vaccine Sputnik V ngừa virus corona của nước này sẽ đạt mức hàng chục triệu liều vào tháng Hai. Ông Dmitriev nói trên kênh truyền hình Rossya 1: "Các nhà sản xuất của chúng ta đã cải thiện đáng kể kế hoạch sản xuất của họ... và vào tháng Giêng, sản lượng sẽ lớn hơn nhiều so với kế hoạch. Chúng ta có thể sản xuất hàng chục triệu liều vaccine bắt đầu từ tháng 2".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ, ngày 1/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, số ca tử vong tại Mỹ và Brazil tiếp tục tăng mạnh. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ngày 6/1, Mỹ ghi nhận 4.100 ca tử vong vì COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này. Mỹ cũng phát hiện thêm 260.973 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này vượt quá 21 triệu ca.

Trong khi đó, Covid Tracking Project cho biết số người nhập viện điều trị tại Mỹ cũng đang ở mức cao chưa từng thấy, với hơn 131.000 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.

Mỹ đang kỳ vọng việc tiêm vaccine đại trà được triển khai từ giữa tháng 12/2020 sẽ giúp quốc gia này vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có chưa đến 2% dân số quốc gia này được tiêm chủng, với khoảng 4,8 triệu người được tiêm mũi đầu tiên.

Brazil cũng thông báo có thêm 1.171 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Hiện Brazil đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 sau khi số ca mắc mới tăng mạnh kể từ tháng 12, đẩy các cơ sở y tế cộng đồng tại một số khu vực vào nguy cơ quá tải.

Về vấn đề vaccine, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 6/1 đã thông qua khuyến nghị về việc cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna Inc bào chế và phát triển.

Như vậy, vaccine của Moderna đã trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 2 được EMA khuyến nghị cấp phép lưu hành, sau vaccine Pfizer/BioNTech nhận được sự ủng hộ của cơ quan này hôm 21/12/2020. Theo quy định, vaccine của Moderna còn cần được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép để chính thức được lưu hành.

Chú thích ảnh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.486 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 36.070 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 8.854 ca COVID-19 và 187 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 788.402 ca và 23.296 ca.

Chú thích ảnh

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ tư khu vực với 26 người thiệt mạng.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.593 ca bệnh mới, 3 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Myanmar dịch bệnh những ngày gần đây đang có chiều hướng hạ nhiệt khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm. Quốc gia thành viên ASEAN này ghi nhận 594 ca bệnh mới và 19 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. “Xứ sở chùa phật ngọc” tiếp tục ghi nhận ca tử vong vì COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 36.074 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 232 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.593.013 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.378.010 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 6/1.  

Chú thích ảnh

Những trắc trở trong việc chậm triển khai vaccine ngừa COVID-19 đã gây ra căng thẳng trong Liên minh châu Âu (EU), làm gợi lại những bất đồng nội khối khi bắt đầu đại dịch trong vấn đề chia sẻ thiết bị bảo hộ y tế và đóng cửa biên giới.

Việc Đức tự đặt riêng vaccine của Pfizer/BioNTech đã làm dấy lên những lo ngại có thể cắt giảm các nguồn cung để phân phối trong toàn khối, và một cuộc tranh cãi đã nổ ra về các hợp đồng được dành cho vaccine Pháp và Đức. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trước cuối tháng 1 để thảo luận về thách thức to lớn trong chiến dịch tiêm chủng mà họ đang phải đối mặt.

Ủy ban châu Âu (EC) đã ký 6 hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine để mua gần 2 tỷ liều nhằm phân phối cho các quốc gia thành viên theo tỷ lệ dân số. EC đã bảo vệ chiến lược của mình với lập luận rằng điều quan trọng là không nên "bỏ tất cả trứng vào một giỏ" khi nhiều loại vaccine vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Ngày 6/1, phát ngôn viên của EC cho biết chiến dịch tiêm chủng là một hoạt động rất phức tạp, và đây chính là lý do tại sao EC đã rất kiên quyết trong việc ký hợp đồng với các công ty khác nhau.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 6/1: Toàn khối trên 36.000 ca tử vong; Malaysia nguy cơ 'vỡ trận'
COVID-19 tại ASEAN hết 6/1: Toàn khối trên 36.000 ca tử vong; Malaysia nguy cơ 'vỡ trận'

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.486 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 36.070 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN