COVID-19 tại ASEAN hết 6/1: Toàn khối trên 36.000 ca tử vong; Malaysia nguy cơ 'vỡ trận'

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.486 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 36.070 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 8.854 ca COVID-19 và 187 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 788.402 ca và 23.296 ca.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ tư khu vực với 26 người thiệt mạng.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.593 ca bệnh mới, 3 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt tại một trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 5/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Myanmar dịch bệnh những ngày gần đây đang có chiều hướng hạ nhiệt khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm. Quốc gia thành viên ASEAN này ghi nhận 594 ca bệnh mới và 19 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. “Xứ sở chùa phật ngọc” tiếp tục ghi nhận ca tử vong vì COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 36.074 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 232 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.593.013 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.378.010 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 6/1.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 6/1:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 788,402 +8,854 23,296 +187 652,513
Philippines 480,737 +1,047 9,347 +26 448,700
Myanmar 128,178 +594 2,785 +19 111,401
Malaysia 125,438 +2,593 513 +4 100,578
Singapore 58,780 +31 29   58,541
Thái Lan 9,331 +365 66 +1 4,418
Việt Nam 1,505 +1 35   1,353
Campuchia 383 +1     362
Brunei 172   3   149
Timor-Leste 46       46
Lào 41       40
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Sau 27 ngày liên tiếp có số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức 4 chữ số, ngày 6/1, Malaysia lại ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 2.593 ca. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Malaysia đã cảnh báo về tình trạng quá tải của hệ thống y tế nước này.

Số liệu từ Bộ Y tế Malaysia cho biết hiện tổng số ca bệnh tại Malaysia đã tăng lên 125.438 ca. Trong vòng 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 513 người.

Cùng ngày, nước này cũng có thêm 1.129 người đã khỏi bệnh, nâng tổng số người được xuất viện lên 100.578 người, tương đương 80,2% tổng số ca bệnh. Hiện còn 24.347 người đang nằm viện, trong đó 141 người đang được điều trị trong khoa chăm sóc đặc biệt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 2/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng lên, Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho rằng tình hình dịch bệnh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đồng thời kiến nghị chính phủ thực hiện Lệnh hạn chế đi lại tại những khu vực nhất định.

Trong một cuộc họp báo cùng ngày, ông Noor Hisham thẳng thắn thừa nhận hệ thống y tế Malaysia đang "mệt mỏi" khi phải đối phó với số ca mắc COVID-19 ngày một tăng. Ông nói: “Hệ thống y tế của chúng ta (Malaysia) đang đối mặt với áp lực. Chúng ta đang ở điểm giới hạn vì số ca bệnh tăng lên hằng ngày. Các cơ sở y tế của chúng ta có thể không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân. Chúng tôi đang nghiên cứu làm thế nào để tăng cường hệ thống y tế, nhưng biện pháp tốt nhất vẫn phải là giảm tải gánh nặng”.

Chú thích ảnh

Ngày 6/1, Indonesia cũng ghi nhận tới 8.854 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 788.402 ca. Số ca tử vong mới là 187 ca, nâng tổng số ca lên 23.296. Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, ngày 6/1, chính quyền thành phố Thượng Hải của Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho những người chuẩn bị ra nước ngoài làm việc hoặc học tập với mục đích cá nhân.

Theo đó, người dân thành phố có lịch xuất ngoại trước ngày 12/2 (Tết nguyên đán), có thể đăng ký tiêm vaccine từ ngày 7/1. Việc tiêm chủng được tiến hành trên cơ sở tự nguyện và miễn phí, nhưng người nước ngoài sẽ không được tiêm chủng. Loại vaccine tiêm chủng được phát triển trong nước, phù hợp với những người từ độ tuổi 18 tới 59, với hai mũi tiêm cách nhau ít nhất hai tuần.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đã cam kết nỗ lực hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 trong vòng một năm theo yêu cầu của Tổng thống Joko Widodo.

Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Budi cũng kêu gọi tất cả các trung tâm y tế cộng đồng, bệnh viện và phòng khám trên khắp cả nước đăng ký qua ứng dụng BPJS Kesehatan Pcare để tham gia chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19. Ông cũng yêu cầu các trung tâm y tế cộng đồng thiếu tủ lạnh bảo quản vaccine liên hệ ngay với văn phòng y tế địa phương để được giải quyết.
    Theo kế hoạch, Indonesia sẽ bắt đầu với đợt tiêm chủng đầu tiên cho 1,6 triệu nhân viên y tế dự kiến được khởi động vào ngày 13/1 tới và hoàn tất trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm nay. Giai đoạn tiếp theo dự kiến được tiến hành vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới với việc tiêm chủng cho 17,4 triệu nhân viên công vụ và 21,5 triệu người cao tuổi trên khắp cả nước.     

    Hiện khoảng 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển đã được phân phối đến khắp các tỉnh thành ở Indonesia. Bộ trưởng Budi dự kiến chương trình tiêm chủng toàn quốc cho 181 triệu người – số người cần được tiêm vaccine để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng - sẽ được hoàn tất sau 15 tháng.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/1, một quan chức Chính phủ Philippines cho biết ít nhất 15.000 người dân nước này dự kiến tham gia chương trình thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu. Theo kế hoạch, chương trình này có thể sẽ bắt đầu trong tháng 1/2021.

Theo quan chức trên, Philippines và Colombia là hai quốc gia đầu tiên tham gia chương trình của WHO. 15.000 người Philippines tham gia chương trình này là những người đến từ khu vực đô thị Manila - tâm dịch COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này. Cuộc thử nghiệm vaccine của WHO nhằm xác định tính an toàn và hiệu quả của ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19.

Hiện Chính phủ Philippines đang thúc đẩy đàm phán với ít nhất 7 hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19, trong đó có hãng dược Sinovac Biotech của Trung Quốc, Novavax, Pfizer và Johnson & Johnson của Mỹ, và Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga, để mua vacccine.

Theo các cuộc đàm phán hiện nay, Philippines có thể mua ít nhất 148 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và hy vọng có thể đạt được thỏa thuận ngay trong tháng này. Nếu mua được vaccine ngừa COVID-19, đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 50-70 triệu người Philippines có thể được tiêm chủng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 5/1: Thái Lan trên 500 ca nhiễm mới; Tuần tới Indonesia tiêm vaccine
COVID-19 tại ASEAN hết 5/1: Thái Lan trên 500 ca nhiễm mới; Tuần tới Indonesia tiêm vaccine

Trong ngày 5/1, các nước ASEAN ghi nhận trên 11.100 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng 286 trường hợp. Tình hình Thái Lan vẫn phức tạp với trên 500 ca nhiễm mới, trong khi Indonesia lên kế hoạch tiêm vaccine COVID đại trà từ ngày 14/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN