COVID-19 tại ASEAN hết 4/1: Toàn khối trên 35.500 ca tử vong; Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.819 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 35.550 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 6.753 ca COVID-19 và 177 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 772.103 ca và 22.911 ca.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ tư khu vực với 6 người thiệt mạng.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.741 ca bệnh mới, 7 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Myanmar dịch bệnh những ngày gần đây đang có chiều hướng hạ nhiệt khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm. Quốc gia thành viên ASEAN này ghi nhận 590 ca bệnh mới và 16 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Klang, bang Selangor, Malaysia, ngày 23/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. “Xứ sở chùa phật ngọc” tiếp tục ghi nhận ca tử vong vì COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 35.551 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 207 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.567.918 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.360.576 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 4/1.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 4/1:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 772,103 +6,753 22,911 +177 639,103
Philippines 478,761 +959 9,263 +6 448,279
Myanmar 126,935 +590 2,744 +16 110,200
Malaysia 120,818 +1,741 501 +7 98,228
Singapore 58,721 +24 29   58,487
Thái Lan 8,439 +745 65 +1 4,352
Việt Nam 1,497 +3 35   1,339
Campuchia 382 +1     362
Brunei 172   3   149
Timor-Leste 49 +3     37
Lào 41       40
Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Thái Lan, một ủy ban thuộc Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 4/1 đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này cho tới cuối tháng 2/2021.

Việc gia hạn 45 ngày đối với sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, thay vì gia hạn từng tháng một như thông thường, được đưa ra khi Thái Lan đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 sau đợt bùng phát mới hồi tháng trước. Theo kế hoạch, quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 45 ngày sẽ được trình lên nội các vào ngày 5/1 để phê chuẩn.

Với số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua lên tới 745 người - mức cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ Thái Lan đã xếp 28/77 tỉnh, thành, trong đó thủ đô Bangkok, là các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà, tránh tụ tập hoặc đi ra ngoài tỉnh. Tính đến trưa 4/1, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.439 ca mắc COVID-19, trong đó có 65 ca tử vong.

Chính quyền thủ đô Bangkok (BMA) đã yêu cầu các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố ngừng dịch vụ tại chỗ từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 5/1. Việc bán đồ ăn mang đi vẫn được phép trong khi việc bán rượu tại các nhà hàng cũng bị cấm và các quán bar, các cơ sở giải trí phải đóng cửa tại các tỉnh có nguy cơ cao. Trường học và cơ sở giáo dục trên cả nước cũng phải đóng cửa trong 1 tháng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sau đó đã bác bỏ quyết định của BMA và tuyên bố các nhà hàng ở Bangkok được phép cung cấp dịch vụ tại chỗ cho đến 21h chứ không phải 19h kể từ 5/1.

Chú thích ảnh
Xe tải chở vaccine ngừa COVID-19 của công ty Sinovac Biotech tại sân bay Soekarno-Hatta ở Tangerang, Indonesia, ngày 31/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 4/1 cho biết đã xác nhận thêm 959 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 478.761 ca.

Ngoài số ca mắc bệnh mới được xác nhận, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng lên 9.263 ca sau khi có thêm 6 bệnh nhân tử vong. Bên cạnh đó, cũng có thêm 26 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 448.279 người.

Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này ngày 4/1 cho hay số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 6.753 ca trong vòng một ngày qua, lên 772.103 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 177 ca lên 22.911 ca. Cũng theo bộ trên, đã có thêm 7.166 bệnh nhân COVID-19 ở nước này được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 639.103 người.

Virus SARS-CoV-2 đã lây lan tại 34 tỉnh của Indonesia. Số liệu thông kê cho thấy trong vòng 24 giờ qua, thủ đô Jakarta của nước này đã ghi nhận 1.832 ca mắc mới, trong khi tại tỉnh Tây Java là 1.079 ca, tỉnh Trung Java (1.037 ca), Đông Java (709 ca) và Nam Sulawesi (510 ca). Riêng tại tỉnh Tây Kalimantan chưa phát hiện ca mắc mới nào.

Chú thích ảnh
Người dân Phnom Penh đeo khẩu trang để phòng, chống COVID-19. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia

Trái ngược với một số nước trong khu vực, Campuchia bắt đầu thực hiện nới lỏng biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong 6 tuần sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vào tháng 11 năm ngoái.

Sáng 4/1, học sinh đeo khẩu trang đã xếp hàng dài ngoài cổng trường tiểu học Sovannaphumi ở thủ đô Phnom Penh chờ đo nhiệt độ thân thể để vào trường. Theo kế hoạch, các trường tư thục tại Campuchia sẽ mở cửa trong tuần này đón học sinh quay trở lại, trong khi các trường công lập sẽ khôi phục hoạt động vào tuần tới.

Ngoài trường học, Campuchia cũng đã cho phép mở cửa trở lại Nhà tù Tuol Sleng - địa điểm thăm quan nổi tiếng ở thủ đô Phnom Penh. Tháng 11/2020, Campuchia triển khai thực hiện một loạt biện pháp hạn chế sau khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến 1 phụ nữ 56 tuổi, người từng đi tới 2 thành phố lớn của nước này kể từ ngày 20/11.

Việc Campuchia nới lỏng các biện pháp phong tỏa trái ngược tình cảnh tại nhiều nước trong khu vực. Thái Lan ngày 4/1 cảnh báo nước này có thể triển khai lệnh phong tỏa mới nếu số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng và buộc nước này tiến tới phải tuyên bố 28 tỉnh là vùng có nguy cơ cao.

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 2/1: Toàn khối trên 35.000 ca tử vong; Thái Lan đối phó làn sóng 2
COVID-19 tại ASEAN hết 2/1: Toàn khối trên 35.000 ca tử vong; Thái Lan đối phó làn sóng 2

Trong ngày 2/1, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 11.400 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng 255 trường hợp. Tình hình Malaysia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với số ca nhiễm mới cao thứ hai trong khối, trong khi Thái Lan đang căng mình đối phó làn sóng thứ 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN