Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã chính thức khép lại. "Thuyền trưởng" Việt Nam đã chèo lái thành công “con thuyền ASEAN” vượt qua một năm đầy thử thách, tiếp tục phát huy vai trò của mình ở khu vực và nắm bắt những cơ hội mới.

 

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với các thách thức, cơ hội đan xen, nhất là đại dịch COVID-19 đã bùng phát, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế - xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua.

Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã và đang đoàn kết, chung tay, mạnh mẽ vượt qua khó khăn do đại dịch. Ngay từ khi dịch có dấu hiệu xuất hiện trong khu vực, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhanh chóng tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tháng 2/2020 để đảm bảo rằng tất cả các nước thành viên thống nhất lập trường chung trong cuộc chiến chống lại đại dịch này.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng nêu rõ 9 ưu tiên hợp tác chung, trong đó có 2 vấn đề quan trọng nhất là tăng cường phối hợp để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và tích cực trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh.

Ngoại trưởng ASEAN thảo luận về dịch COVID-19 tại cuộc  họp đặc biệt của Hội đồng điều phối ASEAN diễn ra tại Lào, ngày 20/2/2020.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Quốc phòng ASEAN cũng diễn ra với tuyên bố chung về hành động phối hợp chống dịch COVID-19. Trung tâm quân y ASEAN mới thành lập cũng bắt đầu thảo luận và đưa ra biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh.

Trước khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch (3/2020), Việt Nam với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch COVID-19 (14/2/2020), sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Sáng 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. 

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp của ASEAN với các đối tác như: Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ… và đã nhận được nhiều cam kết đóng góp tài chính cho nỗ lực chung chống đại dịch. Cụ thể, Hoa Kỳ đã hỗ trợ 87 triệu USD, Nhật Bản hỗ trợ hơn 1 triệu USD, Trung Quốc hỗ trợ hơn 1 triệu USD và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 800 triệu euro…

Kết quả những nỗ lực chung của ASEAN trong 10 tháng qua là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các nhà Lãnh đạo đã thông qua nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh, đưa vào triển khai Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN, Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. 

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại Hà Nội.

ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia.

Đại dịch cũng đã khuyến khích các thành viên ASEAN đẩy nhanh việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và thông qua chứng nhận xuất xứ điện tử để khắc phục tình trạng gián đoạn thương mại do đại dịch COVID-19. Nghị định thư đầu tiên về sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào tháng 9/2020 chấp nhận chữ ký/con dấu điện tử. Tháng 11/2020, Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) liên quan đến Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được ra mắt. Theo đó, các thương nhân có thể tiến hành vận chuyển qua các nước thành viên ASEAN tham gia hệ thống này chỉ với một xe tải, một tờ khai hải quan và một giấy bảo lãnh của ngân hàng.

Việt Nam đã hỗ trợ tích cực, kịp thời nhiều thiết bị, vật tư y tế… cho các nước ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Một sự kiện thể hiện sự chủ động trong ứng phó với các thách thức của ASEAN chính là việc thiết lập Mạng lưới phản ứng nhanh đối với tin giả trong khu vực ASEAN.

Những kết quả tích cực trong công tác kiểm soát dịch bệnh đã củng cố niềm tin cho các nước thành viên ASEAN tiếp tục theo đuổi những mục tiêu lâu dài về xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphan Savanphet cho rằng, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến hữu ích cho ASEAN, trong đó có các sáng kiến như tăng cường gắn kết cộng đồng ASEAN, đánh giá lại các kế hoạch tổng thể cũng như việc thực hiện vai trò của ASEAN, thảo luận biện pháp để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN.

Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19 lây lan, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến để tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với không chỉ các nước trong ASEAN mà còn với các đối tác ngoài ASEAN, về cách thức hợp tác để ngăn chặn và đối phó với dịch bệnh, khôi phục lại nền kinh tế ASEAN để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Thực tế, kế hoạch họp trực tuyến trong các nước ASEAN đã có từ năm 2005, nhưng khi đó có rất ít cuộc họp theo phương thức này, đa phần là cuộc họp cấp chuyên viên. Quan điểm của Lãnh đạo Việt Nam và các nước thành viên ASEAN từ trước đến nay vẫn ưu tiên cho các cuộc họp tiếp xúc trực tiếp. Do đó, quyết định chuyển tất cả các cuộc họp của Năm ASEAN 2020 sang hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được cho là một quyết định mang tính đột phá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, sáng 26/6/2020, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đồng Trung, Trợ lý Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao chia sẻ, khi tổ chức họp trực tuyến sẽ xuất hiện hai vấn đề kỹ thuật: Đường truyền và phần mềm. Đường truyền Internet phải đảm bảo để truyền hình ảnh, âm thanh ổn định; trong khi phần mềm họp phải an toàn bảo mật. Cả hai vấn đề này, nước chủ nhà Việt Nam đã giải quyết tốt. Một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam còn hỗ trợ kéo đường truyền, phần mềm họp trực tuyến.

Đề cập tới phần mềm họp trực tuyến, ông Nguyễn Đồng Trung cho biết rất tự hào khi tất cả các cuộc họp trực tuyến do Việt Nam chủ trì đều sử dụng phần mềm họp “Made in Vietnam” do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23. 

Khi đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, một khó khăn, thách thức lớn mà nước chủ nhà Việt Nam phải đối mặt đó là thuyết phục được các nước thành viên, đối tác và khách mời chấp nhận họp trực tuyến. Đây là một việc rất khó khi từ trước tới nay, các nước ASEAN rất hiếm họp theo hình thức trực tuyến, đặc biệt là họp cấp cao. Nhiều nước để lãnh đạo cấp cao tham dự họp trực tuyến, xuất hiện trên màn hình phải đáp ứng các bộ quy tắc riêng của mỗi nước.

“Khi chúng ta quyết định họp cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về phòng, chống COVID-19 dưới hình thức trực tuyến, lúc đó chưa có bất kỳ quy tắc, quy chuẩn nào về họp trực tuyến. Một số nước tỏ ra e ngại tham gia. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã liên tục có các cuộc làm việc, điện đàm để vận động các nước tham gia. Cho đến thời điểm chỉ còn 3 ngày nữa diễn ra Hội nghị, có nước vẫn chỉ xác nhận chấp nhận tạm thời, chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo cấp cao cũng như phía cơ quan đại diện ở Việt Nam kiểm tra thực tế hệ thống kỹ thuật của phía Việt Nam”, ông Nguyễn Đồng Trung chia sẻ.

Ông Robert C. O’Brien, Cố vấn an ninh quốc gia, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự hội nghị trực tuyến.

Quãng thời gian quyết định họp trực tuyến Hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN về phòng, chống dịch COVID-19 chỉ trên dưới 10 ngày, với vai trò điều phối các hoạt động chuẩn bị tổ chức Hội nghị, các bộ phận liên quan của phía Việt Nam đã nỗ lực rất lớn. Chỉ với quỹ thời gian rất ngắn, nước chủ nhà Việt Nam đã tạo ra một bộ quy tắc họp, được tất cả các bên tham gia chấp nhận.

Một khó khăn nữa mà ông Nguyễn Đồng Trung chia sẻ, khi tổ chức họp trực tuyến đó là việc thống nhất múi giờ họp. Một số cuộc họp với các đối tác ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, Nga, Liên minh châu Âu, phía Việt Nam đã phải có các cuộc đàm phán, dàn xếp, hiệp thương giữa các bên để có sự nhất trí về khung giờ họp.

Ngoài ra, do tiến hành họp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số nước vẫn đang trong tình trạng giới nghiêm, giãn cách xã hội nên việc đạt được thỏa thuận để tạo điều kiện cho quan chức các nước đến nhiệm sở họp và ra về trước giờ giới nghiêm cũng là một thách thức với phía Việt Nam.

Nhìn lại toàn bộ các cuộc họp, hội nghị diễn ra trong năm, mặc dù có những khó khăn, thách thức, song phía Việt Nam đã giải quyết rất tốt và nhận được sự khen ngợi của bạn bè quốc tế.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 là một phép thử quan trọng về khả năng phục hồi của ASEAN và khả năng dẫn dắt của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã diễn ra một cách sôi động thay vì trầm lắng như những quan ngại ban đầu khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Nước Chủ tịch Việt Nam cùng các nước thành viên, các đối tác đã tổ chức tới hơn 550 cuộc họp, bằng hình thức trực tuyến - bán trực tuyến, thông qua số lượng kỷ lục các văn kiện. Riêng Hội nghị  Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã tổ chức thành công 20 cuộc họp liên quan và hơn 80 văn kiện được thông qua. Đây là số văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.

Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP sáng 15/11.

Nhìn lại Năm ASEAN 2020, có thể nhận thấy 3 điểm nhấn đậm nét. Điểm nhấn đầu tiên là những tiến triển trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN. Bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19, các nước thành viên đã duy trì đà xây dựng Cộng đồng, thực hiện thành công các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là hoàn tất đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.

ASEAN đã thúc đẩy công tác chuẩn bị cho rà soát triển khai Hiến chương ASEAN; gắn kết hợp tác phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN để mọi người dân có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng; nâng cao hình ảnh và hiện diện của Cộng đồng ASEAN, theo đó khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng bài hát ASEAN, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng.

Chương trình “Giao lưu văn hóa, nghệ thuật ASEAN mở rộng” tối 28/11, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng, dịch COVID-19 đã không thể cản trở tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”, tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng đã trở thành động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Điểm nhấn thứ hai của năm ASEAN 2020 chính là nỗ lực chung của toàn khối nhanh chóng, chủ động và kịp thời có phản ứng tập thể trước tác động nặng nề của COVID-19 với nhiều kết quả quan trọng, trên tinh thần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, để không ai bị bỏ lại phía sau. Thông qua hợp tác chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, sự gắn kết trong ASEAN càng bền chặt.

Điểm nhấn thứ ba đó là phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vai trò, vị thế ASEAN ở khu vực và quốc tế. Trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã biến năm 2020 của mình trở thành một năm sôi động với những nỗ lực liên kết khu vực không mệt mỏi, cùng sự hỗ trợ của các nền tảng kết nối số. “Trái ngọt” của những nỗ lực kết nối này chính là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 hồi tháng 11.

ASEAN cũng thúc đẩy các tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác như thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao dịp 53 năm thành lập ASEAN, gửi đi thông điệp về một ASEAN hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, mong muốn tăng cường các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế. Đáng chú ý, lập trường cơ bản của ASEAN về các vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, vấn đề Biển Đông được giữ vững.

Trong bối cảnh các diễn đàn đa phương khác đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như: ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ vẫn tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực phù hợp, ngày càng thực chất hơn, thu hút được sự tham gia và đóng góp tích cực của tất cả các nước. 

Chiều 26/6/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 đồng chủ trì cuộc Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA dưới hình thức trực tuyến.

Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á (TAC) đã kết nạp thêm 3 thành viên mới (Cuba, Nam Phi và Colombia) trong năm 2020. ASEAN đã thông qua việc trao quy chế Đối tác Phát triển cho Pháp và Italy. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 23, hai bên đã đưa ra quyết định quan trọng chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN - EU lên Đối tác chiến lược. Hiện, ASEAN đang xem xét đề xuất của Anh trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.

Với những thành công trong năm qua, vai trò, uy tín quốc tế của ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao. Lần đầu tiên, Tổng Thư ký ASEAN đã thông tin về Hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo sáng kiến của Việt Nam. Trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam cũng chủ trì tổ chức nhiều hoạt động cấp cao, cấp bộ trưởng về nội dung thúc đẩy quyền năng cho phụ nữ, vai trò của phụ nữ trong hòa bình, an ninh và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 trong cuộc họp trực tuyến.

Trong thắng lợi chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam càng thêm tự hào về thành công của Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN - AIPA 41 và của Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8. Tất cả thể hiện hình ảnh một Nhà nước pháp quyền Việt Nam vững mạnh với người dân là trung tâm. Hội nghị Bộ trưởng Công an ASEAN về phòng chống tội phạm (26/11) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (10/12), đây là những hội nghị cuối cùng trong chương trình 2020, mang ý nghĩa hợp tác chiến lược quan trọng của ASEAN, là những dấu son tô đẹp bức tranh thành công toàn diện của năm ASEAN 2020…

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Philippines tại ASEAN Noel Servigon khẳng định, bất chấp các thách thức, Việt Nam không chỉ triệu tập thành công các cuộc họp ASEAN, mà còn duy trì động lực hợp tác với tất cả các đối tác, đối thoại và các đối tác bên ngoài của ASEAN, cũng như thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Thông qua nhiều mối quan hệ tương tác này, Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện rõ rằng ASEAN đóng vai trò chủ đạo và quyết định tiến trình tương lai của khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021.

Việt Nam không chỉ khéo léo, linh hoạt dẫn dắt, điều hòa những khác biệt giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giữ vững hình ảnh đoàn kết, đồng thuận của Hiệp hội, mà còn xử lý hài hòa, hiệu quả các bất đồng giữa các đối tác, qua đó tất cả các hội nghị trong năm diễn ra suôn sẻ, thành công. Đặc biệt, chính việc Việt Nam kiểm soát được đại dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế - xã hội đã làm các bạn bè khu vực và quốc tế hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của Việt Nam, ủng hộ và hưởng ứng tích cực những sáng kiến, kế hoạch do Việt Nam đề xuất.  

Từ những bỡ ngỡ ban đầu, qua 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc, hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực. Đặc biệt, với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19 hiện nay. 

Thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một đỉnh cao thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này, như tiếp thêm sinh khí mới để Việt Nam tự tin và chủ động tiếp tục thắng lợi tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Dấu ấn năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam:

Hồng Điệp - Việt Đức - Thu Phương - Hà Phương
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình

30/12/2020 07:05