COVID-19 tại ASEAN hết 5/1: Thái Lan trên 500 ca nhiễm mới; Tuần tới Indonesia tiêm vaccine

Trong ngày 5/1, các nước ASEAN ghi nhận trên 11.100 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng 286 trường hợp. Tình hình Thái Lan vẫn phức tạp với trên 500 ca nhiễm mới, trong khi Indonesia lên kế hoạch tiêm vaccine COVID đại trà từ ngày 14/1.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.100 ca mắc COVID-19 và 286 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.579.533 ca mắc COVID-19 trong đó có 35.837 ca tử vong và 1.369.196 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 7.400 ca nhiễm mới và 198 ca tử vong mới, Indonesia vẫn chưa kiểm soát được làn sóng lây lan của dịch bệnh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong. 

Ngày 5/1, quốc gia thứ hai có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số là Malaysia, với 2.097 trường hợp. Philippines tiếp tục kiểm soát ca nhiễm mới ở mức 3 con số với 937 ca, trong khi Myanmar đưa số ca nhiễm mới về mức 2 con số, với 59 ca. 

Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục xử lý ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay tại khu chợ hải sản ở tỉnh Sakhon, gần Bangkok, và ghi nhận thêm 527 ca nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, các nước Campuchia, Brunei, Timor Leste, Lào không có thêm ca bệnh COVID-19 nào.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 5/1/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Thái Lan: Trên 500 ca nhiễm mới, chủ yếu là người di cư từ Myanmar

Ngày 5/1, Thái Lan ghi nhận thêm 527 ca mắc mới bệnh COVID-19, hầu hết là những người di cư từ Myanmar sinh sống tại tỉnh Samut Sakhon ở miền Trung.

Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), trong số các ca mới phát hiện có 521 ca lây nhiễm trong nước, với 439 ca là người di cư từ Myanmar và người Thái Lan ở tỉnh Samut Sakhon, tỉnh đầu tiên phát hiện dịch bệnh trên cả nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.966 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.900 ca lây nhiễm trong nước và 2.066 ca trong các khu cách ly. Theo CCSA, 4.397 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Thái Lan đã hồi phục và xuất viện trong khi 4.504 bệnh nhân vẫn đang điều trị. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan hiện là  65 ca. Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ảnh hưởng tới 56 tỉnh, trong đó 28 tỉnh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, với 5 tỉnh trong nhóm này buộc phải triển khai các biện pháp ngăn chặn bổ sung.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Thái Lan, Chan-o-cha ngày 5/1 cho biết chính phủ của ông đã đặt hàng bổ sung 35 triệu liều vaccine phòng COVID của AstraZeneca (Anh), nâng tổng số vaccine mà nước này đã đặt lên 63 triệu liều. 

Sau giai đoạn kiểm soát được sự lây lan cộng đồng trong nhiều tháng, một chùm ca nhiễm mới bùng phát tại Thái Lan hồi tháng 12/2020, liên quan đến các lao động nhập cư đã dẫn đến lây lan dịch tại trên một nửa số tỉnh của Thái Lan. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tới ngày 5/1, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.966 ca COVID và 65 ca tử vong. Bangkok đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất một nửa dân số 70 triệu người của nước này.

Thái Lan dự kiến sẽ nhận vaccine từ AstraZeneca trước quý 2 năm nay. Họ cũng đã đặt hàng 2 triệu liều vaccine Sinovac, Trung Quốc và dự kiến nhận 200.000 liều trong tháng 2.

Philippines: Ngày thứ ba liên tiếp ca nhiễm mới dưới 1.000

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo thêm 937 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 479.693 trường hợp. Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Philippines dưới mức 1.000. Tuy nhiên, DOH cho rằng số ca mắc mới giảm chủ yếu vì công tác xét nghiệm chậm lại trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và không loại trừ khả năng số ca mắc mới tăng trở lại trong những tuần tới.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines hiện là 9.321, tăng 58 ca trong 1 ngày qua. Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở quốc gia này là 448.375 ca. Philippines đang phân tích chuỗi gen virus trong cơ thể của 74 ca bệnh trở về từ Anh và từ 20 quốc gia và khu vực khác trong danh sách hạn chế di chuyển của quốc gia này để kiểm tra xem liệu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn có trong những ca bệnh này hay không. 

Philippines đã xét nghiệm cho hơn 6,4 triệu người trên tổng số 110 triệu dân cả nước kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Để tránh biến thể mới của virus SARS-CoV-2, từ cuối tháng 12/2020, Philippines đã hạn chế nhập cảnh với những người nước ngoài từng đến Anh (nơi phát hiện biến thể mới) trong thời gian gần và 20 quốc gia và khu vực khác. 

Chú thích ảnh
 Người dân Phnom Penh đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia

Campuchia tiếp nhận lao động về nước, thực hiện cách ly

Tính từ cuối tháng 12/2020 đến ngày 4/1/2021, đã có 6.465 lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước và các lao động đều thực hiện cách ly 14 ngày tại các trung tâm cách ly các tỉnh giáp biên giới Thái Lan. Hiện nay lao động nhập cư được cách ly tại 14 trung tâm cách ly trên địa bàn tỉnh Oddar Meanchey. Chính quyền tỉnh Banteay Meanchey cũng đang trưng dụng 12 trường học và Trung tâm Y tế làm cơ sở cách ly theo chỉ đạo của Bộ Y tế Campuchia. Trong khi đó, tỉnh Battambang đã chuẩn bị 7 trung tâm cách ly để đón nhận hơn 1.800 lao động Campuchia từ Thái Lan nhập cảnh. 

Tổng số lao động Campuchia từ Thái Lan về có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 là 17 người, trên tổng số 382 ca mắc COVID-19 của cả nước.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
 

Indonesia bắt đầu tiêm chủng COVID-19 từ ngày 14/1

Theo tờ Straits Times, Indonesia sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhân viên y tế và quan chức tiếp xúc công cộng tại toàn bộ 34 tỉnh kể từ ngày 14/1. Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức trong bối cảnh nước này đang chạy đua với thời gian nhằm kiềm chế làn sóng lây nhiễm mới bùng phát sau đợt nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Tổng thống Joko Widodo và các thành viên nội các sẽ khởi động chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 toàn quốc bằng việc tiêm mũi vaccine đầu tiên của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc vào ngày 13/1.

Chú thích ảnh
Lô vaccine Sinovac đầu tiên gồm 1,2 triệu liều được chuyển tới sân bay ở Jakarta ngày 6/12. Ảnh: AFP 

Theo kế hoạch, ba nhóm ưu tiên sẽ được tiêm vaccine trong giai đoạn đầu. Họ gồm các quan chức cấp cao ở Jakarta và các tỉnh, thành viên uỷ ban của các hiệp hội nhân viên y tế, các bác sĩ danh tiếng trên khắp các tỉnh, các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại South Tangerang, Indonesia, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, một số người dân Indonesia vẫn do dự trong việc tiêm vaccine vì e ngại tốc độ phát triển vaccine quá nhanh có thể gây mất an toàn. Các loại vaccine phòng COVID cho đến nay đều được phát triển trong không đầy một năm sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Theo một cuộc thăm dò ở Jakarta, có 40% trong 1.202 người được hỏi ngẫu nhiên cho biết họ chưa quyết định có tiêm vaccine hay không; 37% khẳng định sẽ tiêm và 17% cho biết không muốn tiêm phòng. 

Quá trình phân phối vaccine Sinovac trên toàn quốc đã bắt đầu hôm 3/1, chỉ ba ngày sau khi nhà sản xuất vaccine Bio Farma của Indonesia nhận được 3 triệu liều.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt 86 triệu
Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt 86 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 86.260.742 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.864.089 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 61.206.135 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN