Quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine COVID dù không một ca nhiễm

Cộng hoà Palau - một trong rất ít những nơi trên Trái đất không ghi nhận ca bệnh COVID-19 nào – có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên hoàn tất chủng ngừa căn bệnh này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm mũi vaccine Moderna đầu tiên cho người dân Palau. Ảnh: CNN

Là một quần đảo có khoảng 18.000 người cư trú, Cộng hoà Palau đã nhận chuyến hàng vaccine đầu tiên do công ty dược của Mỹ, Moderna phát triển hôm 2/1. Chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 của nước này bắt đầu ngay ngày hôm sau.

Chuyến hàng đầu tiên mà Palau nhận được gồm 2.800 liều vaccine, sẽ được tiêm 2 mũi cho mỗi người, cách nhau 28 ngày. Các nhân viên y tế, quan chức chủ chốt và những nhóm dân cư nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ là những người đầu tiên được tiêm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tới nay, Cộng hoà Palau chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hay ca tử vong nào liên quan đến virus này.

Hồi tháng 1/2020, khi virus bắt đầu lây lan khắp châu Á và Thái Bình Dương, Palau nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên áp đặt lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Các đường biên giới của đảo quốc này được phong toả hoàn toàn đến tháng 3 và từ tháng 4, Palau bắt đầu xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo đại sứ Palau tại Liên hợp quốc, những biện pháp này là chìa khoá để đất nước ông kìm chân COVID-19 bên ngoài biên giới.

Là quốc gia độc lập, hợp tác tự do với Washington, Cộng hoà Palau được tiếp cận chương trình tiêm chủng COVID-19 đại trà của Mỹ, còn gọi là Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed).

Đảo quốc Palau bao phủ một khu vực chỉ rộng 459 km vuông, bằng khoảng 1/6 Rhode Island, bang nhỏ nhất của Mỹ. Diện tích nhỏ như vậy đã đặt Palau ở vị trí thuận lợi để trở thành một trong những quốc gia đầu tiên được tiêm phòng COVID-19 và có thể là quốc gia đầu tiên hoàn thành chương trình chủng ngừa đại trà này.

“Chúng tôi may mắn ở vị trí có thể tiếp cận vaccine thông qua Chiến dịch Thần tốc, và diện tích đất nước nhỏ khiến chúng tôi dễ dàng thực hiện chương trình hơn”, ông Ritter Udui, người phụ trách tình trạng khẩn cấp của Bộ Y tế Palau, cho biết. 

“Chúng tôi không bắt buộc tiêm vaccine, vì vậy mục tiêu của Palau là tiêm chủng cho khoảng 80% dân số. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua chương trình này”, ông Udui bổ sung.

Ban đầu Palau dự định hoàn tất tiêm chủng vào tháng 5/2021, nhưng ông Udui cho biết thời hạn này có thể phải nới do việc phân phối vaccine chậm lại tại Mỹ.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Y tế Palau, Tiến sĩ Emais Roberts và người đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 ở nước này. 

Bác sĩ lão khoa Sylvia Osarch, 60 tuổi, là người đầu tiên ở Palau được tiêm vaccine phòng COVID vào ngày 3/1. 

“Tôi cảm thấy hào hứng khi được làm gương cho cộng đồng của mình", bà Osarch nói, "Tôi muốn nói với cộng đồng rằng tôi đã tiêm vaccine để bảo vệ họ. Vì vậy, khi đến lượt họ, hãy tiêm để bảo vệ chúng tôi, những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Palau đã chọn vaccine của Moderna vì đây là loại này có thể được bảo quản trong tủ lạnh tiêu chuẩn. Ban đầu, đảo quốc Thái Bình Dương không có đủ phương tiện để bảo quản vaccine Pfizer ở nhiệt độ yêu cầu là - 70 độ C. Tuy nhiên, ông Udui xác nhận rằng Palau đã nhận được ít nhất một kho lạnh vào cuối tháng 12, có thể lưu trữ tới 5.000 liều vaccine Pfizer.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Châu Âu chậm chạp trong triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19
Châu Âu chậm chạp trong triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 ở châu Âu đang rất cao, nhưng một số quốc gia chậm chạp trong việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Điều này làm gia tăng lo ngại về hiệu quả đẩy lùi dịch bệnh của vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN