Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 180.332.920 ca, trong đó có 3.906.308 người tử vong.
Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”. Một số nước châu Âu tình hình đang leo thang trở lại.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 165.059.614 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.366.998 ca và 81.232 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 23/6, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 87 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.446.734 ca mắc và 618.181 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Chính do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt.
Quốc gia đại dịch nghiêm trọng thứ hai là Ấn Độ với 392.014 ca tử vong trong số 30.082.169 ca bệnh. Giới chuyên gia lo ngại biến thể Delta Plus, phiên bản đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, có thể gây ra làn sóng thứ ba ở nước này khi phát hiện 22 ca nhiễm biến thể này ở ba bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. Brazil đứng thứ 3 với 504.897 ca tử vong trong số 18.056.639 bệnh nhân.
Cùng ngày 23/6, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan (Trung Quốc) Chen Shih-chung cho biết vùng lãnh thổ này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 thêm hai tuần, đến ngày 12/7 tới.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Đài Loan vẫn chưa lắng dịu. Kể từ tháng 5 vừa qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Đài Loan liên tục gia tăng, buộc chính quyền vùng lãnh thổ này phải áp đặt hạn chế tụ tập và đóng cửa các cơ sở vui chơi giải trí.
Các biện pháp hạn chế hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/6. Đài Loan ghi nhận 104 ca mắc mới trong ngày 23/6, tăng so với 78 ca ghi nhận trước đó một ngày. Cho đến nay, vùng lãnh thổ này có 14.260 ca mắc, trong đó có 599 ca tử vong.
Tại Nhật Bản, tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Nhật Bản đang gia tăng khi mà tỷ lệ tiêm chủng theo ngày đã đạt mức 1 triệu liều/ngày trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân. Con số này là một mốc quan trọng mà Thủ tướng Suga Yoshihide đã đặt ra nhằm bảo đảo rằng nhóm người cao tuổi chiếm phần lớn dân số Nhật Bản được tiêm chủng vào cuối tháng 7 tới và tất cả người trưởng thành được tiêm chủng vào tháng 11.
Theo số liệu mới nhất của Văn phòng nội các, trong ngày 14/6, Nhật Bản đã tiêm được 1.013.061 liều vaccine ngừa COVID-19, nhưng trong 3 ngày tiếp theo, số người được tiêm chủng lại dưới mức 1 triệu người/ngày. Tuy nhiên, Nhật Bản đang đẩy mạnh chương tình tiêm chủng khi bắt đầu triển khai tiêm vaccine tại nơi làm việc trên cả nước từ ngày 21/6. Đến ngày 23/6, Nhật Bản tiếp tục đạt mốc 1 triệu liều/ngày.
Theo số liệu của hãng tin Reuters, hiện chỉ có 18% trong tổng số 125 triệu dân Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, khi mà chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo.
Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 23/6 đã siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập ở thành phố thủ phủ Sydney nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Theo đó, cư dân tại 7 khu vực ở phía Đông và phía Tây Sydney chỉ được phép ra ngoài vì mục đích thiết yếu.
Mỗi gia đình được tiếp tối đa 5 khách cùng lúc, trong khi đeo khẩu trang ở các không gian kín là quy định bắt buộc, kể cả nơi công sở và phòng tập gym. Một số trường học phải chuyển hoàn toàn sang hình thức dạy và học trực tuyến.
Các biện pháp này có hiệu lực trong một tuần. Các bang giáp với NSW như Victoria và Queensland đã đóng cửa biên giới đối với những người đến từ thành phố Sydney và các vùng lân cận, trong khi bang South Australia đóng cửa biên giới toàn bộ.
Tại quốc gia láng giềng New Zealand, mức cảnh báo dịch COVID-19 đã được nâng lên ở thủ đô Wellington do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh sau khi một du khách đến từ Sydney có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi về nước.
Cụ thể, Wellington nâng mức cảnh báo lên mức 2, với các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ gần ngang với một lệnh phong tỏa áp dụng đến hết ngày 27/6.
Trong thời gian này, các cơ quan, công sở, trường học và doanh nghiệp được phép mở cửa nhưng phải tuân thủ quy định giãn cách, các hoạt động thể thao và vui chơi, giải trí vẫn được phép diễn ra. Tuy nhiên, các sự kiện như đám cưới và tang lễ phải giới hạn tối đa 100 người tham dự.
Tại châu Âu, biến thể Delta cũng gây lo ngại tại nhiều nước. Ngày 23/6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết biến thể Delta hiện đang chiếm đến 9-10% số các ca mắc mới bệnh COVID-19 tại nước này, tăng mạnh từ mức 2-4% của tuần trước.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca bệnh nhiễm biến thể Delta đang gia tăng. Do vậy, các chuyên gia nước này cần đánh giá chính xác và thận trọng tình hình để không mạo hiểm với những kết quả chống dịch đã đạt được.
Bồ Đào Nha cũng đang lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 tại nước này khi 60% số ca mắc mới tại thủ đô Lisbon nhiễm biến thể Delta. Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy với số ca mắc mới hằng ngày tăng 54% vào tuần trước, Bồ Đào Nha đã vượt Anh trở thành nước có tỷ lệ lây bệnh COVID-19 cao nhất tại châu Âu. Số ca mắc mới đã tăng lên mức trung bình 1.100 ca/ngày trong 7 ngày, so với 300 ca/ngày 6 tuần trước đó.
Theo số liệu công bố ngày 23/6, trong 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận 16.135 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 2, và số ca tử vong mới là 19 người. Hiện tổng số ca bệnh trên cả nước Anh đã tăng lên 4.667.870 ca, trong đó 128.027 người đã tử vong. Số ca phải nhập viện là 1.378 ca, tương tự số ca ghi nhận vào đầu tháng 5, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 4.077 ca thông báo vào ngày 24/1.
Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8/2021. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/6 đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh biến thể này đang tiếp tục lây lan tại các nước châu Âu.
Bà Andrea Ammon, Giám đốc ECDC cho biết cơ quan này ước tính biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa Hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, ECDC cho rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh và hiện đang là biến thể lây lan chính tại EU hiện nay. Theo ECDC, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.
ECDC khuyến cáo việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào mùa Hè này trong thời gian đầu tháng 6 có thể làm gia tăng đáng kể số ca nhiễm mới hằng ngày ở mọi độ tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc số ca nhập viện, tử vong do COVID-19 có thể tăng lên như mức ghi nhận trong mùa Thu năm ngoái nếu các nước không tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Ở khu vực Trung Đông, Israel đối mặt với một đợt bùng phát mới do biến thể Delta. Thủ tướng Israel Naftali Bennett khuyến cáo người dân tránh đi ra nước ngoài và phải đeo khẩu trang ở những không gian kín.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel ra chỉ thị những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trước đó có thể được yêu cầu cách ly lên đến 14 ngày nếu họ có tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể nguy hiểm trên.
Israel cũng sẽ phạt những công dân Israel hoặc người cư trú tại nước này đến các nước có nguy cơ lây nhiễm cao hàng nghìn shekel. Israel đã ghi nhận 125 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 21/6, mức cao nhất trong vòng hai tháng qua.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 28.894 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 89.770 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Campuchia.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 23/6 cũng đứng thứ hai toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 23/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 83 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 23/6 ghi nhận thêm trên 3.174 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 51 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 587 bệnh nhân mới và 16 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 89.774 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 572 ca so với 1 ngày trước.
Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.626.663 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.201.984 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Timor-Leste, trong 24 giờ qua, có 9/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.