Sau hai tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kín kéo dài suốt đêm trong giai đoạn nước rút, vào lúc 19h28 (giờ Paris) ngày 12/12, đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã chính thức thông qua thỏa thuận Paris chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Sau tiếng gõ búa của Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thông báo hội nghị đã thông qua thỏa thuận khí hậu là những tràng vỗ tay kéo dài, những cái siết tay rất chặt cùng những giọt nước mắt lăn trên gương mặt xúc động của nhiều nhà đàm phán.
Các yêu sách về tham vọng cho thỏa thuận khí hậu được dán trên mô hình tháp Eiffel thu nhỏ tại trung tâm Le Bourget. |
Thỏa thuận khí hậu vừa đạt được tại hội nghị COP21 tại Paris là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái Đất. Đã nhiều lần, các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại các hội nghị COP hàng năm của Liên hợp quốc với hy vọng đạt được một thỏa thuận nhưng đã phải ra về trong thất vọng. Đặc biệt, thất bại của hội nghị COP15 tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 đã để lại vị đắng khó quên với các nhà đàm phán và phần nào làm nhụt chí những ai phấn đấu vì một môi trường sống bền vững. Tại hội nghị COP17 tại Durban (Nam Phi) năm 2011, các nhà lãnh đạo thế giới thêm một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội, không thể đạt được một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, trong khi những tác động của biến đối khí hậu đã chạm ngưỡng không thể đảo ngược.
Chính vì vậy, thỏa thuận đầy đủ, mạnh mẽ và cân bằng với các mục tiêu tham vọng đạt được tại COP21 tại Paris là một thỏa thuận lịch sử, là thành quả chung của các nước. Nó cho thấy tất cả các nước đã thể hiện thiện chí, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết quốc tế, biết hợp sức nhằm biến thách thức thành cơ hội khi thông qua một thỏa thuận mang lại động lực quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp thế giới tránh được các hậu quả khó lường do Trái Đất nóng lên.
Những nội dung chính của thỏa thuận là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C vào năm 2100 và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850) ; từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD (92 tỷ euro) mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là mức “sàn” cho các khoản hỗ trợ hàng năm sau năm 2020.
Chặng đường chông gai
Được bắt đầu sớm hơn một ngày và kết thúc muộn hơn một ngày so với lịch trình, chặng đường mà 195 nước vừa vượt qua tại Paris là một chặng đường chông gai, gập ghềnh. Những cuộc tranh luận trong hành lang hội nghị cũng nóng bỏng, gay cấn và quyết liệt như tại phiên họp toàn thể. Nhiều điểm đã đạt được nhất trí và ghi nhận trong các phiên bản dự thảo của thỏa thuận vẫn có thể bị xem xét lại và chỉnh sửa trong các phiên bản tiếp theo. Những điều đó đã khiến khả năng thành công của hội nghị luôn là một ẩn số cho đến phút chót của ngày đàm phán cuối cùng.
Gian trưng bày của Đức tại trung tâm Le Bourget. |
Các chủ đề gây bất đồng lớn là mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ, đóng góp tài chính và chia sẻ nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Khoảng 100 quốc gia đòi giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp đặc biệt là các đảo quốc như Comoros, Seychelles, Mauritius, Madagascar đang bị nạn nước biển dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, Venezuela và Bolivia phản đối quyết liệt.
Một trong những vấn đề gây chia rẽ khác là cách hiểu khái niệm: “Trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt” được ghi trong thỏa thuận. Theo các nước nghèo, các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada… là những nước phát thải mạnh nhất khí gây hiệu ứng nhà kính, phải gánh vác “trách nhiệm lịch sử” do trong quá trình phát triển công nghiệp trước đây, các nước này đã sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí, gây ra tình trạng ô nhiễm nặng dẫn đến hiện tượng Trái Đất nóng lên. Chính vì vậy, các nước này không phải chỉ đi đầu trong việc giới hạn lượng khí thải carbon mà còn phải tài trợ cho các nước nghèo phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đầu tư vốn, công nghệ để giúp các nước này ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo các nước Nam bán cầu, đây là “vấn đề có tính sống còn”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar cho rằng một thỏa thuận bền vững không thể được xây dựng trên cơ sở “pha loãng trách nhiệm lịch sử”, “đặt những người gây ô nhiễm là các nước phương Bắc và các nạn nhân là các nước chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu là các nước phương Nam trên cùng một cấp độ trách nhiệm”. Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng kiên quyết không để việc cắt giảm phát thải ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vì theo họ như vậy sẽ là không công công bằng với các nước đi sau. Trong khi đó, các nước phát triển muốn các nước mới nổi cũng phải tham gia đóng góp tài chính, cụ thể là Trung Quốc, nước có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% tổng lượng phát thải toàn cầu, hoặc các nước như Brazil hay Ấn Độ đều phải đóng góp tài chính do đều là những nước gây ô nhiễm nhất. Bên cạnh đó, hình thức hỗ trợ tài chính, dưới dạng vốn vay ưu đãi hay không hoàn lại, cách thức phân chia vốn cho dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải cũng là những vấn đề tranh cãi.
Những bế tắc không được tháo gỡ trong vấn đề tài chính khiến Tổng Thư ký Ban ki-Moon hơn một lần phải kêu gọi sự thỏa hiệp và sự tham gia của các bên trên tinh thần xây dựng để đạt được sự đồng thuận. Theo ông lợi ích của mỗi quốc gia sẽ được phục vụ tốt nhất khi đặt trong lợi ích chung, biến đổi khí hậu không không tôn trọng biên giới của quốc gia nào cả. Về phía mình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cho rằng các bên phải học cách nhượng bộ, vượt qua những mâu thuẫn về lợi ích và tầm nhìn chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia nhằm chia sẻ trách nhiệm cứu Trái Đất.
Dấu ấn Pháp tại COP21
Hội nghị COP21 diễn ra vào thời điểm cách loạt vụ tấn công đẫm máu ngày 13/11 tại Paris chỉ hơn hai tuần đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của Pháp trong việc quyết tâm tổ chức và đảm bảo an ninh cho hội nghị. Pháp đã huy động toàn bộ lực lượng và triển khai trên toàn lãnh thổ, đặc biệt tại các tuyến biên giới nhằm đảm bảo an ninh ở mức cao nhất trong các ngày 29 và 30/11 khi 150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu có mặt tại Paris để tham dự phiên khai mạc.
Áp phích của Liên minh các quốc đảo nhỏ cho thấy mối đe dọa bị nhấn chìm của các quốc gia này do nạn nước biển dâng. |
Tuy nhiên, vai trò của Pháp được đặc biệt ghi nhận với các sáng kiến nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán. Vào tuần đàm phán thứ hai, Pháp trên cương vị chủ tịch đã thành lập Ủy ban Paris bao gồm 14 sứ giả đại diện cho cả các nước nghèo lẫn các nước công nghiệp phát triển. Nhiệm vụ của ủy ban này là mỗi ngày tiến hành một cuộc họp với các đoàn đàm phán để ghi nhận những nỗ lực đã đạt được và những vấn đề cần tập trung giải quyết. Ngoài ra, Pháp còn lập một nhóm công tác không chính thức để thúc đẩy một số hồ sơ vẫn gặp nhiều bế tắc, chủ yếu là về vấn đề tài trợ giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu và đáp ứng đòi hỏi của các nền kinh tế chậm phát triển muốn có quyền phát thải khí carbon nhiều hơn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, Pháp đã làm mọi điều có thể để hội nghị COP21 thành công.
Phát biểu sau khi thỏa thuận được thông qua, đại diện rất nhiều nước đã cảm ơn vai trò chủ tịch của Pháp, đặc biệt là của Ngoại trưởng Laurent Fabius trong việc tích cực vận động các nước trước khi diễn ra hội nghị, cũng như thái độ kiên nhẫn, mềm mỏng trong quá trình đàm phán giúp các bên từng bước đạt được sự đồng thuận. Ông cũng khéo léo thuyết phục và thúc giục các bên thể hiện thiện chí cũng như thái độ quyết tâm để có được một thỏa thuận khi cho rằng 7 tỷ người chỉ có một hành tinh là Trái Đất và không thể có kế hoạch B bởi vì không có hành tinh B.
Một thỏa thuận “mang tính đột phá” đạt được tại Paris cho thấy các nước đã biết hợp sức để tạo ra một khuôn khổ chung đưa thế giới phát triển đúng hướng một cách bền vững. Một cuộc chiến khó khăn đã giành thắng lợi tại Paris. Tuy nhiên, cuộc chiến còn tiếp tục, bởi vì cần phải xây dựng và triển khai các chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu được ghi trong thỏa thuận và có thể đi xa hơn các mục tiêu đó.