Nguy cơ từ tranh cãi tài chính trong COP21

Các cuộc đàm phán căng thẳng trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Pháp có nguy cơ sẽ thất bại, trừ khi những bất đồng sâu sắc xung quanh hàng trăm tỷ USD phải được giải quyết. Đây là lời cảnh báo đầy thất vọng mà các quốc gia đang phát triển vừa đưa ra hôm 3/12.

Các nhà đàm phán từ 195 quốc gia đang tranh cãi với nhau tại COP21 ở Paris xung quanh việc lên kế hoạch cho một thỏa thuận toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020, hiệp ước này sẽ tập trung kiểm soát lượng khí thải phát sinh từ việc đốt các nhiên liệu như than đá, dầu mỏ và khí cũng như từ nạn chặt phá rừng nhiệt đới.

Bộ trưởng Môi trường Pháp (giữa) trong một cuộc họp thuộc khuôn khổ COP21. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhà đàm phán Nam Phi Nozipho Mxakato - Diseko, vấn đề tài trợ cho các nước phát triển, giúp họ có thể tự xoay xở để có được nguồn năng lượng sạch hơn đang trở thành “vấn đề sống còn”. Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Nozipho Mxakato - Diseko nói rằng tài chính là vấn đề mấu chốt. Việc khởi động dòng tiền hàng trăm tỷ USD từ các quốc gia giàu tới các quốc gia đang phát triển từ năm 2020 có nguy cơ không thể thực hiện được khi mà các nước phát triển vẫn chưa xác nhận đầy đủ việc tài trợ này.

Trong bối cảnh bầu không khí thất vọng đang bao trùm hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon đã kêu gọi các nền kinh tế đầu tàu thế giới có trách nhiệm với những lời cam kết tài chính mà họ đã đưa ra trong hội nghị quan trọng về khí hậu cách đây 6 năm. Ngoài ra, ông Ban Ki - moon còn cho biết thêm là trong số 100 tỷ USD đến năm 2020, đến nay mới có 62 tỷ USD được đóng góp.

Hôm 30/11, hơn 150 lãnh đạo thế giới đã khởi động các cuộc thảo luận nhằm tạo đà cho các cuộc đàm phán gay cấn sau đó với những lời lẽ "đao to búa lớn" về sự cấp thiết của sứ mệnh này. Tuy nhiên, sau 3 ngày thảo luận mệt mỏi xung quanh một bản dự thảo hiệp ước 54 trang vô cùng phức tạp, các quan chức đã công bố một văn kiện ngắn hơn và vẫn còn rất nhiều đoạn chưa được nhất trí.

Kết thúc một ngày đàm phán trì trệ, không khí trở nên căng thẳng. Tại phiên họp buổi tối, đại diện Bolivia Juan Hoffmaister đã bày tỏ sự thất vọng: “Tôi thực sự rất lo lắng, và tôi không còn gì để nói nữa. Tôi đã cố gắng làm điều này từ nhiều năm nay và mọi việc thực sự không công bằng”.

Trọng tâm của cuộc tranh cãi là các nước đang phát triển yêu cầu các nước giàu gánh vác trách nhiệm chính trong sứ mệnh đối phó với sự nóng lên trên toàn cầu, bởi chính họ là những quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bùng nổ. Tuy nhiên, một số quốc gia giàu có đã nhấn mạnh rằng, chính các quốc gia đang nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, mới là những nước gây ô nhiễm nhất. Đại diện Na Uy Aslak Brun cho biết các bên đang phải vật lộn với nhiều khó khăn trên mọi phương diện. Ông nói: “Việc chỉ trích lẫn nhau trong lúc này là vô ích. Chúng ta cần đoàn kết để có thể thực sự tiến bộ”.

Ngày 7/12 tới đây, các bộ trưởng môi trường từ các quốc gia sẽ tới Paris để tìm cách biến các bản dự thảo do các nhà ngoại giao chuẩn bị thành một hiệp ước chung nhằm ngăn chặn sự nóng lên trên toàn cầu. Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho biết bà vẫn tin tưởng rằng từ nay đến khi kết thúc hội nghị vào ngày 11/12 tới, các bên xung đột sẽ tìm được sự đồng thuận. Bà nói với AFP: “Cần 1 hoặc 2 ngày đàm phán để mọi thứ đi vào quỹ đạo là điều bình thường. Tôi không tin là mọi thứ sẽ thất bại”.
TTK
Hình ảnh "độc" bên lề COP21
Hình ảnh "độc" bên lề COP21

Hàng loạt lãnh đạo trên thế giới đã tề tựu về thủ đô nước Pháp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) được khai mạc ngày 30/11 với kỳ vọng tạo ra cam kết lâu dài ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên. Dưới đây là những hình ảnh bên lề thú vị về sự kiện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN