COP21 thông qua thỏa thuận chống biến đổi khí hậu

Các đại biểu từ 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) ngày 12/12 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, vốn đe dọa nhân loại với việc làm mực nước biển dâng cao và khiến tình trạng hạn hán, lũ lụt, giông bão trở nên tồi tệ hơn.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vàThư ký điều hành Hội nghị COP 21 Christiana Figueres vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết: "Tôi nhận thấy phản ứng tích cực trong phòng hội nghị. Tôi không thấy sự phản đối nào. Thỏa thuận khí hậu Paris đã được thông qua".

Trước đó cùng ngày, Pháp đã đệ trình lên hội nghị COP21 bản thỏa thuận nhằm hạn chế hoạt động phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đe dọa bầu khí quyển của Trái Đất. Ngoại trưởng Fabius, người chủ trì các cuộc đàm phán kéo dài gần 2 tuần tại Paris, đã trình bản thỏa thuận lên các bộ trưởng để xem xét thông qua.

Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận bao gồm việc giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lí.

Trước đó, các cuộc thảo luận chính thức về bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được lùi tới 17h30 ngày 12/12 giờ Paris, tức 23h30 giờ Việt Nam - muộn hơn dự kiến ban đầu 2 tiếng đồng hồ. Các nhà tổ chức hội nghị mới đưa ra thông báo trên, tuy nhiên không cho biết lý do sự trì hoãn.

Trong khi đó, người phát ngôn nhóm các nước đang phát triển Gurdial Singh Nija cho biết Ấn Độ, Trung Quốc và Saudi Arabia tỏ ra hài lòng với bản dự thảo thỏa thuận nhằm cắt giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông tuyên bố: "Chúng tôi hài lòng với thỏa thuận này. Chúng tôi cho rằng đó là một thỏa thuận cân bằng". Ông nói rõ: "Ấn Độ đồng ý.Trung Quốc đồng ý, Saudi Arabia đồng ý. Khối nước Arab đồng ý".

Bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phân phát cho các bộ trưởng 195 nước tham gia COP21 nghiên cứu trước khi được thông qua lần cuối tại phiên họp toàn thể.

TTXVN/Tin Tức
COP21: Toàn bộ thỏa thuận là "bắt buộc về pháp lý"
COP21: Toàn bộ thỏa thuận là "bắt buộc về pháp lý"

Theo hãng tin AFP, bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phân phát cho các bộ trưởng 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) nghiên cứu trước khi phiên họp toàn thể diễn ra để thông qua lần cuối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN