Hai nhà khoa học trên đã mất 27 năm để tạo ra kỹ thuật giải trình tự bộ gene người với tốc độ nhanh hơn và chi phí rẻ hơn. Viện Hàn lâm Khoa học Phần Lan nhận định Công nghệ giải trình tự ADN thế hệ tiếp theo (NGS) có nghĩa rất lớn trong việc chống lại các dịch bệnh gây chết người như COVID-19 hay ung thư, đồng thời giúp hiểu rõ hơn về các bệnh cây trồng và tăng sản lượng lương thực.
Cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã phải mất tới 10 năm với chi phí hơn 1 tỷ USD để "đọc" 3,2 tỷ cặp số base - hay còn gọi là cặp “ký tự” di truyền – tạo nên bộ gene của con người. Tuy nhiên, giờ đây nhờ NGS, quy trình này chỉ diễn ra trong 1 ngày với chi phí là 1.000 USD. Ước tính, NGS được ứng dụng hơn 1 triệu lần và mới đây nhất là việc ứng dụng để theo dõi các đột biến của virus SARS-CoV-2. Hiện NGS đang được sử dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư và các bệnh hiếm gặp.
Giáo sư Klenerman cho biết đây là lần đầu tiên một giải thưởng quốc tế công nhận sự đóng góp của ông và Giáo sư Balasubramanian trong việc phát triển công nghệ này.
Được thành lập vào năm 2004, Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ nhằm tôn vinh những đổi mới công nghệ có ứng dụng thực tế và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Giải thưởng được trao 2 năm/lần và được đánh giá tương đương với giải Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển.
Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ đầu tiên được trao cho Tim Berners-Lee, người phát minh World Wide Web, hồi năm 2004. Ông Linus Torvalds, người sáng lập hệ điều hành mã nguồn mở Linux và Shinya Yamanaka, người đi tiên phong trong nghiên cứu tế bào gốc, cũng được nhận giải thưởng danh giá này.
Hồi năm 2018, nhà vật lý Phần Lan Tuomo Suntola đã được trao Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ nhờ công nghệ đột phá cho phép sáng tạo các lớp vật liệu siêu mỏng mà giờ đây được sử dụng cho loạt các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, bộ vi xử lý và các thiết bị bộ nhớ kỹ thuật số.