Binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong cuộc duyệt binh tại Asaka, tỉnh Saitama, Nhật Bản, ngày 14/10/2018. Ảnh tư liệu, minh họa: AFP/TTXVN
Theo đó, nữ quân nhân được phép tham gia các đơn vị phòng thủ vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học từ tháng 8 tới, nhờ việc cải thiện trang thiết bị bảo vệ an toàn.
Biện pháp mới nói trên được áp dụng đối với Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF), sau khi bộ đã áp dụng các điều chỉnh tương tự đối với Lực lượng Phòng vệ trên biển và Lực lượng Phòng vệ trên không của nước này.
Theo quy định mới, nữ quân nhân thuộc GSDF có thể tham gia các nhiệm vụ như trinh sát và tẩy độc trong môi trường có chất phóng xạ, sinh học hoặc hóa học. Trước đây, những nhiệm vụ này bị hạn chế đối với nữ quân nhân do lo ngại ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, nhưng nay đã được xem xét mở rộng nhờ sự cải thiện trong phương tiện chuyên dụng và đồ bảo hộ đặc biệt, qua đó giúp giảm đáng kể mức độ phơi nhiễm của nhân viên tham gia nhiệm vụ.
Từ năm 1993, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã từng bước điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong quân đội. Theo đó, phụ nữ dần được phép đảm nhận các nhiệm vụ nặng về thể lực. Từ năm 2015, Lực lượng Phòng vệ trên không đã cho phép nữ quân nhân của lực lượng này lái máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát, trong khi từ năm 2018, Lực lượng Phòng vệ trên biển cho phép nữ quân nhân thuộc lực lượng này tham gia thủy thủ đoàn tàu ngầm. Từ năm 2017, Lực lượng Phòng vệ mặt đất của Nhật Bản bắt đầu mở rộng việc triển khai nữ quân nhân vào hoạt động trên thực địa, bao gồm việc phục vụ trong các đơn vị sử dụng phương tiện chiến đấu.