Mức này thấp hơn so với mức 10 tỷ USD mà Liên hợp quốc (LHQ) kỳ vọng nhằm giải quyết những nhu cầu ngày càng tăng tại quốc gia Trung Đông này.
Trong một tuyên bố, Ủy viên châu Âu phụ trách xử lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết 4,4 tỷ USD sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 2 tỷ USD còn lại sẽ được cấp trong những năm sau. Các nhà tài trợ cũng đề xuất các khoản vay trị giá 7 tỷ USD. Đức là quốc gia có mức đóng góp lớn nhất khi cam kết viện trợ 2,04 tỷ USD, trong khi mức viện trợ của Mỹ là 600 triệu USD. LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo hơn 7 tỷ USD cho Syria cho trong các năm 2019 và 2020.
Trước đó, cùng ngày, tại hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ 5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế quyên góp 10 tỷ USD nhằm viện trợ Syria trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành đang khiến số người cần viện trợ tăng cao sau một thập kỷ xung đột tại nước này. Trong số 10 tỷ USD mà TTK kêu gọi có 4,2 tỷ USD sẽ dành để hỗ trợ người dân trong nước Syria và phần còn lại để hỗ trợ người tị nạn ở các nước láng giềng ở Trung Đông. Đây là hội nghị do LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ, thu hút sự tham gia của trên 50 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.
Giám đốc tổ chức viện trợ Oxfam tại Syria Moutaz Adham nhận định số tiền viện trợ cam kết trên cho thấy nhiều nhà tài trợ không thực sự quan tâm tới số phận của của hàng triệu người dân Syria, những người đã phải rời bỏ quê hương và sống cuộc sống khốn khó trong suốt 10 năm qua. Theo TTK LHQ, trên 13 triệu người đang cần được hỗ trợ khẩn cấp để sống sót trong năm nay, cao hơn 20% so với năm ngoái. Đa số người dân đang phải đối mặt với nạn đói.
Cùng ngày, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada Karina Gould cho biết chính phủ nước này sẽ cung cấp 49,5 triệu CAD (tương đương hơn 39 triệu USD) để hỗ trợ những người tị nạn Syria đang phải đi lánh nạn trong nước cũng như những người sống tị nạn ở các nước láng giềng Jordan và Liban.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, thông qua Chương trình Lương thực thế giới của LHQ, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và các tổ chức phi chính phủ, khoản tài trợ này của Canada sẽ được dùng cho các dịch vụ y tế cơ bản, cung cấp nước sạch, dịch vụ vệ sinh và giúp đảm bảo an ninh lương thực.