Phát biểu trong phiên tham vấn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 29/6 theo hình thức trực tuyến, ông Lowcock cho biết có khoảng 2,8 triệu người, tương đương với 70% dân số, tại vùng tây bắc Syria do quân nổi dậy kiểm soát đang cần hỗ trợ nhân đạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khó khăn về kinh tế.
Theo ông, khoảng 2/3 dân số ở khu vực này hiện trong tình trạng mất nhà cửa, đa phần phải sống trong các khu lều trại, nhà định cư tạm bợ với tình trạng suy dinh dưỡng ngày một trầm trọng. Trong tháng 5, hành lang vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo qua hai cửa khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp 1.781 lượt xe tải chuyên chở đồ ăn, thực phẩm cho 1,3 triệu dân, dẫu con số này chưa đủ với nhu cầu thực tế.
“Tây bắc Syria tiếp tục hứng chịu một thảm họa nhân đạo lớn. Chiến dịch viện trợ xuyên biên giới cần tiếp tục được mở rộng về quy mô”, ông Lowcock nhìn nhận. Theo Phó Tổng thư ký LHQ, thất bại của HĐBA trong việc tăng viện trợ nhân đạo xuyên biên giới sẽ khiến hoạt động hỗ trợ của LHQ từ hướng Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng băng và sẽ gây ra thiệt hại về vật chất, tính mạng cho người dân ở tây bắc Syria.
Về phần mình, Nga nhìn nhận viện trợ xuyên biên giới chỉ là bước đi nhất thời trong xung đột Syria đã kéo dài 9 năm qua. Tình thế trên thực địa đã thay đổi và cần tính đến phương án viện trợ từ ngay trong lãnh thổ Syria thông qua hợp tác với chính quyền Damascus.
Kể từ năm 2014, LHQ đã thực hiện hoạt động viện trợ tới Syria qua 4 cửa khẩu, bao gồm: Bab al-Salam và Bab al-Hawa ở Thổ Nhĩ Kỳ; cùng al-Yarubiyah ở Iraq và al-Ramtha ở Jordan. Tháng 1 vừa qua, Nga ghi chiến thắng khi thúc ép HĐBA thông qua một nghị quyết cắt giảm số lượng cửa khẩu dùng phục vụ hoạt động cứu trợ từ bốn xuống còn hai cửa khẩu đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thời hạn hiệu lực của hai cửa khẩu này cũng được cắt giảm từ một năm xuống còn sáu tháng, sẽ hết hạn ngày 10/7, muốn duy trì tiếp cần phải được HĐBA gia hạn.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia ngày 29/6 khẳng định viện trợ xuyên biên giới không phải là "thần dược" cho vấn đề nhân đạo ở Syria. Trái lại, nó “đã trở thành công cụ để tạo ra các lằn ranh chia rẽ ngay bên trong lãnh thổ Syria”. Theo ông, việc vận chuyển cứu trợ xuyên biên giới “không phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo”.
Ông Nebenzia cho rằng “kiểu tiếp tế này là hình thức phá hoại biên giới, được sử dụng như là tiền đề, lấy đó làm lý do để không can dự nghiêm túc đối với hoạt động hỗ trợ nhân đạo từ bên trong Syria. Đây không phải là cách nói hô hào của Nga. Chúng tôi có bằng chứng xác thực để sẵn sàng trưng ra”.
Dự thảo Nghị quyết do Đức và Bỉ đệ trình hôm 29/6 có đề cập đến việc các bên sẽ duy trì hai cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ sang tây bắc Syria và mở cửa trở lại cửa khẩu từ biên giới Iraq sang đông bắc Syria trong thời hạn hiệu lực một năm để chuyên chở thiết bị y tế giúp người dân Syria đương đầu với đại dịch COVID-19.
Trong phiên tham vấn, ông Lowcock cho biết LHQ sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực để có thể vận chuyển đồ cứu trợ sang tây bắc Syria. Nhưng trong hiện tại đây là nhiệm vụ bất khả thi. Theo ông, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 1 đã gửi hai lô hàng y tế tới khu vực đông bắc, cùng với vận chuyển bằng đường hàng không. Nhưng cuối cùng số hàng này không vào được Syria khi cửa khẩu ở biên giới Iraq bị đóng.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft cùng với các phái viên của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định các lệnh cấm vận của Mỹ và EU chống Syria không ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo.
Nhưng Đại sứ Nga phủ nhận điều này. “Những lời trấn an đó là đạo đức giả. Quyền miễn trừ mà các anh đưa ra không có tác dụng. Một tay các anh tung hô, cổ vũ hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới, tay kia các anh bóp nghẹt người dân Syria”, ông Nebenzia đáp trả.